Một số hồ nghi về chiến tranh Việt – Chiêm thế kỷ X - XI

Thứ Năm, 16 tháng 11, 20174nhận xét

Nói về chiến tranh Việt – Chiêm, sao lục ra thì hàng chục tài liệu, đông tây kim cổ đủ cả, người đọc nhìn rất hoa mắt đau đầu, mà viết theo lối từ chương, trích dẫn đủ tài liệu tham khảo cũng khiến bố cục bài vở trở thành một thứ nghiên cứu nửa mùa rất thiếu tính hấp dẫn.

Kỳ 1: Người Việt xâm lăng Chiêm Thành: Từ vàng son đến tháp Chàm loang máu
Kỳ 2: Đại Việt xâm lăng Indrapura diệt vong 
Vũ nữ đài thờ Trà Kiệu, điêu khắc Champa thời Trà Kiệu, thế kỷ 10, hiện vật Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.
Giờ vắn tắt thế này cương giới và thành Phật Thệ (thủ đô của Liên Bang Chăm) có một số chỗ (tôi thấy) chưa được rõ ràng.
Cửa Sót hay là Hoành Sơn?
Biên giới phía Bắc của Liên bang Chiêm Thành (hay liên bang Champa) là ở Hoành Sơn (tức Đèo Ngang) cách chỗ anh X cho Formosa xây nhà máy luyện sắt không xa.
Các tài liệu của ta, của tây, của ta ở tây, của Chăm ở Mỹ đều viết thế. Trong An Nam Chí Lược của Lê Tắc có nói về một quả núi (không rõ ở đâu) chia đôi Nam – Bắc tục truyền rằng cây trên núi ấy cũng ngả theo hai hướng Bắc Nam.
Champa trong quá trình lịch sử: Pièrre-Bernard Lafont - Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư và lịch sử

Tuy nhiên trong Việt Sử Lược bộ sử được coi là cổ nhất của Việt Nam viết vào thời Trần có nói về Nam Giới - tức Cửa Sót. Chẳng hạn như việc Lê Hoàn (sau là Lê Long Đĩnh) đào kênh từ Cửa Sót, cho mở đường từ Cửa Sót, Lý đi đánh Chiêm thành qua Nam Giới...
Mà Nam Giới tại Cửa Sót thì sao biên giới Chăm lại chỉ đến Hoành Sơn (lùi sâu hơn 50 - 60km)? Dọc theo đoạn tàn dư của sông Lam đổ ra cửa Sót còn có núi Nghèn (nghẹn – ý rằng nước đến đó thì nghẹn lại) có phải chăng núi này mới chính thực là chỗ phân chia Nam Bắc?
Có phải chăng thời kỳ Indrapura hưng khởi trở lại (nửa sau TK IX), tiểu quốc này đã chiếm được phần từ Hoành Sơn đến nam Cửa Sót)? Hoành Sơn – Đèo Ngang – là cương giới phía Bắc của Hoàn Vương Quốc (Quyền vua về nước cũ) và là cương giới Việt – Chăm sau trận chiến 982?
Hoặc giả có chỗ nào tôi không hiểu hết thì cũng mong mọi người chỉ rõ.
Phật Thệ là thành nào?
Cũng các tài liệu của ta ở ta, ta ở tây, của tây ở tây, cho rằng sau năm 1000 Kinh đô Champa -  Phật Thệ - là Vijaya (Đồ Bàn, hay Chà Bàn). Gs, Ts Pièrre-Bernard Lafont trong Vương quốc Chăm Pa: địa dư, dân cư và lịch sử cho rằng Lý Thánh tông đã tấn công vào Đồ Bàn phá hủy thành này. Giáo sư Nguyễn Văn Huy (Đại học Paris) trong “Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam” cũng chung ý kiến với Pièrre-Bernard Lafont.
Tuy nhiên các sách sử VN trong giai đoạn này chỉ nói về Phật Thệ như là kinh đô của Champa và danh xưng Đồ Bàn, hay Chà Bàn (như tôi thấy) chỉ xuất hiện trong sử Việt vào Thế kỷ XIV - XV.
Xem lại một số dữ kiện lịch sử thì thấy: Thời kỳ  Indravarman II (trị vì từ 859 đến 890) – người được cho là đã khai mở ra thịnh thế của Indrapura, cũng là người rất sùng đạo Phật. Sau sự suy yếu của Hoàn Vương Quốc (854), Indravarman II đã nhanh chóng đưa Indrapura trở lại những ngày tháng vinh quang vốn có. Thậm chí tiểu quốc này còn cố gắng dùng tôn giáo để làm hỗ trợ cho chủ thuyết về một Champa thống nhất.
Đây là thời mà các tu viện Phật Giáo, giảng đường, Phật Viện được xây dựng rất nhiều tại Indrapura nói chung và tại thủ phủ của tiểu quốc này nói riêng. Phật Thệ - Phật Thành gợi ý rất rõ ràng về thành của Phật tức là thời kỳ mà Phật giáo đặc biệt hưng thịnh tại Indrapura tại Huế, hoặc là tại Đồng Dương (Quảng Nam).
Văn bia của vua Harivaman dựng vào năm 1078 (10 năm sau cuộc viễn chinh của Lý Thánh Tông) được tìm thấy tại Mỹ Sơn, Quảng Nam. Văn bia này kể lại việc quân Đại Việt đánh phá vương quốc Champa, cướp đi những tài sản mà vương quốc đã dâng hiến cho thần linh, hủy hoại tu viện, nhà cửa làng mạc và vua Harivaman đã “giết sạch kẻ thù” phục hưng lại Nagara Champa, khôi phục những ngôi đền.
Xem các bước chuẩn bị và năng lực viễn chinh của thủy – hải quân Đại Việt trong thế kỷ X - XI việc đi đến được tận Quy Nhơn Bình Định đốt phá, chém giết, cướp bóc Vijaya, (có vẻ) không khả thi lắm. Đánh phá Vijaya kéo theo đó là những vấn đề như quá xa hậu phương (trực tiếp là vùng Nghệ An), khó khăn lương thảo, không hợp thủy thổ... Nhà Trần trong nỗ lực bành trướng lãnh thổ về phương Nam (thế kỷ XIII – XIV) chỉ có thể giành thắng lợi ở vùng biên giới phía bắc của Liên Bang Champa; cuộc tấn công vào thành Vijaya của Trần Duệ Tông (1377) đã thất bại thảm hại, ông trở thành vị vua duy nhất của Việt Nam tử trận - ngay dưới chân thành. Đạo quân viễn chinh của nhà Hồ cũng bị thành Vijaya chặn lại; trước đó, thủy binh Nguyên Mông – do Toa đô chỉ huy cũng lực bất tòng tâm khi muốn khuất phục Vijaya – đang là lãnh tụ của Liên bang Chiêm Thành.
Phải chăng vào thời Lý, quân Đại Việt chỉ đánh cướp đến vùng Thừa Thiên Huế, hoặc quá lắm là đến Quảng Nam chứ chưa phạm vào Vijaya (ở Bình Định)? Và cuộc chiến tàn khốc mà Đại Việt nhắm vào Chămpa kỳ thực là cuộc chiến Đại Việt với Chiêm trên địa phận tiểu vương quốc Indrapura, mà trọng tâm là thành Phật Thệ - nằm ở Huế hoặc Quảng Nam?

Kinh đô mới của Chămpa tại Vijaya không bị tàn phá như chúng ta lầm tưởng?

Kỳ cuối: Chiến tranh Việt - Chiêm Thế kỷ X - XI đôi lời tạm kết
Share this article :

+ nhận xét + 4 nhận xét

lúc 21:36 29 tháng 4, 2018

Sao không thấy kỳ cuối chú ơi. Please post luôn kỳ cuối ạ. Đang hấp dẫn.

lúc 23:01 9 tháng 5, 2018

@Chạm Mưa Chết toi, quên chưa biên nốt, dạo này nhiều việc quá!! Im Sorry

lúc 11:01 21 tháng 5, 2019

chiêm thành là đất thiêng

kiểm chứng rồi hãy viết tiếp nhé

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo