Mường Lát - Quan Sơn Ký (tiếp)

Thứ Hai, 6 tháng 8, 20121nhận xét


Kỳ II - Vào Bản Đoàn Kết
Đoàn Kết là tên một bản của người Khơ Mú (còn gọi là người Xá nhưng Xá là hàm ý miệt thị y như ta gọi người H’mông là người Mèo vậy). Cả bản có 113 nóc nhà, khoảng 550 nhân khẩu trong đó có bốn hay năm nhà là của người Thái.
Nguyên xưa Thái và Khơ mú hằn thù nhau rất dữ. Người Thái ở Xip Xoong Pa Na (Vân Nam – Trung Quốc ngày nay), theo chúa Lạng Chượng chinh phục vùng Tây Bắc Việt Nam, họ đi theo con sông Hồng lần lượt chiếm lấy các đất Lai Châu, Điện Biên rồi đến Sơn La. Trên chặng đường chinh phục của mình, họ đụng phải thế lực của người Khơ Mú với thủ lĩnh là Ăm Poi hùng dũng.
Lạng Chượng đánh không lại Ăm Poi nên xin làm rể, giữa tiệc cưới giết bố vợ cướp bản mường. Người Khơ Mú chạy tứ tán lẩn lút trong rừng, sau vợ Lạng Chượng (con gái Ăm Poi) lấy ná bắt chết chồng trả thù cho cha. Thù hằn Thái – Khơ Mú càng thêm sâu.
Khoảng những năm 1943 tới 1945, các thế hệ trước của người Khơ Mú Đoàn Kết ở bản Phay (Phay có nghĩa là cháy), do bản bị người Nhật đốt, nên họ chạy về Mường Lát, ở đây thì đã có người Thái ở rồi.
Hai bên vẫn nuôi dưỡng mối hằn thù xưa.
Mãi đến những năm 60, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đổi tên bản thành ra bản Đoàn Kết, nhủ ý là Thái, Khơ Mú cùng đoàn kết lại. Người Khơ Mú thích cái tên này lắm và họ cũng rất hãnh diện khi được chính vị Chủ tịch đầu tiên của nước ViệtNam đặt tên bản.
Giờ Thái – Khơ Mú sống rất hòa thuận, trai Đoàn Kết vẫn đưa con gái Thái về bản cho yên ấm cửa nhà mà trai Thái ở rể trong bản mọi điều đều vẹn toàn. Họ đều đã quên câu chuyện Lạng Chượng và Ăm Poi, lẽ chăng chỉ còn lại ít người già giữ những câu chuyện bản mường là nhớ được mà thôi.
Bản yên bình 
Người Khơ Mú hồn nhiên sống giữa núi và rừng luồng (họ gọi đó là rừng luồng Đoàn Kết). Cây luồng rừng khác hẳn với luồng trồng, có cây thân to tới cả một vòng tay ôm, đem về có thể làm nhà, làm cán nông cụ, hay rào dậu vườn rau đều tiện dụng.
Người Khơ Mú không biết dệt vải, không có trang phục riêng, ông Lò Văn Khăng trưởng bản bảo: “Mỗi lần đi dự họp Hội đồng nhân dân, hay đại biểu các dân  tộc thiểu số, thấy người ta có trang phục riêng mình không có; con em mình đi học mặc đồ cũng cứ theo người Kinh cả. Mình thẹn lắm!”
Điện lưới không về được bản, dân bản góp nhau chặn con suối dưới khe mà làm điện nước, cứ nhà ở đầu bản thì điện sáng, mà cuối bản thì điện tối chỉ như ngọn đèn dầu leo lét thôi. Để sạc cái Laptop của tôi nhà ông trưởng bản phải tắt điện, sau lại bảo thêm mấy nhà hàng xóm tắt bớt bóng mới đủ.
Người Đoàn Kết làm rất ít lúa nước chỉ có 15ha, còn lại là trồng lúa nương và ngô, nhiều nhà trong bản trồng được vài chục tấn ngô cũng là thường. Đất đấy, cứ có sức là làm, nhà càng đông người càng trồng được nhiều ngô, trai bản đi xe máy, sắm sanh điện thoại nhiều lắm. Con trai cả ông trưởng bản lấy vợ rồi bỏ, mẹ an ủi cũng mua cho một cái điện thoại, đi đâu anh ta cũng lôi ra chụp ảnh với nghe nhạc inh om cả lên.
Trước đây mấy chục năm, anh chàng Lò Văn Khăng mải đuổi con hoẵng chạy qua cả đất Lào, chạy tới miền Sơn La, thì vô tình gặp cô gái Thái Vì Thị Xoàn. Họ thương nhau rồi đưa nhau về Đoàn Kết. Đến giờ có ba mặt con rồi, vẫn yên ấm hòa thuận như xưa. Cả bản cũng chỉ có nhà Lò Văn Khăng là có người con trai thứ hai (Lò Văn Tường) học hết cấp III. Mấy lần xin đi bổ túc, đặng kiếm thêm cái chữ về dạy dân bản mình mà huyện khất lần không ưng. Chị Xoàn cứ bảo với tôi rằng: Nhà báo kêu cho bản một tiếng, kêu cho nhà tôi một tiếng được không?
Ngủ đêm với dân bản, sáng hôm sau tôi vào lớp học của Đoàn Kết, thấy bảo học trò ở đây học chậm mà hay quên lắm, thầy giáo phải vất vả nhiều. Tôi nghĩ cứ thuận theo núi rừng thì tốt hơn. Bên cái chung, người ta nên truyền lại cho học trò Khơ Mú những phong tục, tập quán của chính dân tộc các em (giờ đang bị mai một) thì có lẽ con em nơi này sẽ yêu sự học hơn.
Và đám cưới
Khi tôi đến Đoàn Kết, thì có cái cơ may là bản đang làm rạp chuẩn bị cho một đám cưới. Tục lệ làm đám cưới của người Khơ Mú Đoàn Kết rất giản tiện và giờ chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái.
Bước đầu tiên, trai gái đi tìm hiểu nhau, hai bên đồng ý về thưa với bố mẹ. Bố mẹ đi dạm ngõ có đĩa trầu cau, rượu một hoặc hai chai tùy vào điều kiện của gia đình, hai con gà. Sang nhà gái nói chuyện, bàn giao con trai ở lại đến bao giờ có điều kiện thì rước dâu, con về.
Con trai người Khơ Mú phải ở rể, đến khi nhà trai có điều kiện thì nói chuyện với ông mối để ông sang nhà gái hỏi thăm nói chuyện, thống nhất ngày lành tháng tốt, thống nhất đồ sính lễ của nhà trai.
Đồ sính lễ thường gồm hai con lợn, chĩnh rượu cần, rượu chai, tiền thách cưới tùy từng nhà từng gia đình (trước đây là dùng bằng bạc, thách bằng lượng bạc – bây giờ là tiền mặt) lợn (cũng tùy theo họ hàng nhà gái đông ít mà thách cưới lợn to, lợn nhỏ), gà… váy, áo, khăn đủ bộ, vòng tay bằng bạc (bây giờ quy ra tiền).
Ngoài ra nhà trai phải biện cho gái mấy thứ như: Váy sạch đưa cho mẹ cô dâu ý rằng trả lại cái vạch sạch khi mẹ cô dâu sinh ra cô ấy, sau đó có một cái áo, một cái váy đẹp, một dây lưng, một vòng bạc, khăn trùm đầu, bỏ vào túi vác lên nhà gái, thêm con gà cho bà mẹ cô dâu ăn, hai chum rượu (rượu cần).
Sau đó thì làm đám cưới, đại khái người ta mổ một đôi lợn, hai chum rượu, cần hút rượu, mổ lợn khoản đãi bà con, làm lễ bà cố, cả bố chồng ngồi đó xin ông cố ông bà chứng dám mình đã đem con dâu về nhà.
(Ghi theo lời kể của ông Lò Văn Khăng)
Thị tứ Tén Tằn.jpg
Thị tứ Tén Tằn đấy mời chi bộ thưởng lãm!
DSC05355.jpg
Vào mùa lũ, khi Sông Mã gầm lên khúc độc hành, đứng trên cầu này nia máy quay xuống dòng nước đục gàu, gầm gào bên dưới, thì có phải là phê không?
DSC05363.jpg
Đường lên Đoàn Kêt, Sài Khao! Chi bộ có đứa nào máu đi phược, thì làm nốt đoạn Tén Tằn, Sài Khao nhớ!
 Chiều về ở bản Đoàn Kết
Nhà ông Trưởng bản.jpg
Nhà ông trưởng bản Lò Văn Khăng., Gớm chả mấy khi có báo chí trung ương về, cả bản kéo đến nhà ông, ngồi phỏng vấn lại phóng viên, thiệt  đau hết cả đầu!
Bữa cơm.jpg
Bữa cơm ở nhà ông Lò Văn Khăng. Hôm nay đãi nhà báo (đúng hơn là thằng chạy Quảng Cáo) nên nhà thịt hẳn một con gà nuôi một năm rưỡi. Đồ ăn có xôi đồ, canh rau cải nấu nước luộc gà, thịt gà và rêu sông Mã. Chi bộ có thấy cái chai đỏ đỏ không ạ. Đặc sản đấy, uống vào máu lắm!!! Trẻ nít dưới 23 tuổi không được động đến đâu!
Quây quần.jpg
Cơm xong cả nhà ngồi xem phim chưởng nhá! Hay cực!
DSC05442.jpg
Hai nàng này đang lo hậu cần cho đám cưới, oem chạy đến xin po ảnh đấy ạ!
Sông đi rửa mặt.jpg
Trong khi lãnh tụ đi rửa mặt thì có cha nào chụp trộm một phát hê hê!
Công trình thủy điện.jpg
Công trình thủy điện của bản Đoàn Kết đấy!
DSC05405.jpg
Còn đây là cận cảnh!
DSC05427.jpg
Họ đi đâu ấy nhẩy?

Trẻ con bản Đoàn Kết.jpg
Trẻ con bản Đoàn Kết!
Sông Hàn với những bạn bè trong bản Đoàn Kết.jpg
Trước khi phé làm po kỷ niệm nào!!!
Kỳ sau: Chuyện kể từ Pù Nhi – Suy Vưu hoàng đế và bước đường phiêu bạt của người H’mông, sẽ đăng tiếp Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Share this article :

+ nhận xét + 1 nhận xét

người MLát
lúc 14:12 5 tháng 10, 2012

Bản đoàn kết qua cầu treo, còn gọi là bản Lát. ở đây toàn trùm ma túy đấy.

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo