Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Việt Nam: châu thổ trẻ trung nuôi dưỡng dân tộc trẻ trung

Năm 2018, Viện Địa chất và Địa vật lý biển công bố công trình nghiên cứu về Sự hình thành và phát triển của châu thổ sông Hồng giai đoạn Holocene. Thông qua nghiên cứu này, chân dung mới về Việt Nam được vẽ nên. 

Tháp Bình Sơn thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc
Châu thổ sông Hồng là trung tâm quyền lực của Đại Việt, cũng là nơi hình thành nên dân tộc Kinh. Đây là châu thổ rất mới mẻ trong mắt người nước ngoài cũng như của chính cư dân Việt.
Tại đây, các luồng di cư đã cùng khai phá. Ta có thể thấy một phiên bản hai ở công cuộc “khai hoang Nam Bộ”. Khi đó người Việt lẫn máu Cham tràn xuống để trồng lúa nước, người Minh Hương với số lượng hàng vạn lại xây dựng những đô thị như Nông Nại Đại Phố hay Hà Tiên quốc.

Châu thổ trẻ trung

Tự nhiên có những lý lẽ riêng. Châu thổ sông Hồng vài ngàn năm trước khác xa với những gì chúng ta thấy hôm nay. Đó là một châu thổ vừa cải lão hoàn đồng.
Các bản đồ cổ có vẽ vùng đất nay là Bắc Bộ của Việt Nam đều giống nhau đến kỳ lạ: châu thổ sông Hồng là một vùng mà biển ăn sâu vào đất liền. Cả một đồng bằng hiện rộng tầm 15.000km2 chỉ hiện ra một cách không đáng kể.
Một bản đồ được khắc trên đá từ năm 1136, In lại ra giấy vào năm 1903
Đại Nam nhất thống toàn đồ - Bản 1834 dưới triều Minh Mạng.
Người xưa không phải là vô lý, hay kỹ thuật vẽ bản đồ kém mà sai lạc như thế. Thực tế cuộc sống giúp họ hình dung về châu thổ sông Hồng như là vùng đất mới. Nghiên cứu về Sự hình thành và phát triển của châu thổ sông Hồng giai đoạn Holocene” (NXB Khoa học tự nhiên 2018) minh chứng rõ điều này.
Sơ đồ các đường bờ cổ trong phạm vi châu thổ Sông Hồng thành lập trên cơ sở tổng hợp các tài liệu hiện có-Giai đoạn biển lùi từ 8k đến nay (Phùng Văn Phách, 2018) [Dương Ngọc Hải và nnk., 2018]
Chỗ bây giờ là Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) vẫn là cánh đồng chiêm trũng, Chương Mỹ rồi vùng trũng Hà Nam Ninh… chưa kể những vùng đất ngập mặn. Như vậy hai ba ngàn năm trước, khu vực nay là châu thổ sông Hồng thực sự khó sống với cư dân canh tác lúa nước.
Diễn biến lịch sử của vùng đồng bằng sông Hồng. (Nguồn: Maren 2004)
Sau ba ngàn năm, sông Hồng đã cung cấp một lượng phù sa đủ lớn để … mở rộng diện tích lưu vực lên gấp mười lần (theo Vũ Đức Liêm: Lịch sử khai thác tự nhiên ở châu thổ sông Hồng). Châu thổ mở rộng, tại Đông Nam Á một sức mạnh mới nổi lên. Đó là Đại Việt.

Tại sao lại là ngữ (chi) hệ Việt – Mường?

Không phải đương nhiên các di tích thuộc Văn hóa Đông Sơn dày đặc ở vùng đồi, hay thượng Châu thổ. Nói về nền văn hóa này, Phạm Đức Dương cho rằng: “… văn hoá vật chất được lưu lại trong lòng đất (văn hoá khảo cổ học) lại phản ánh mô hình văn hoá của người trồng lúa nước cư dân Tày – Thái mà chủ nhân nền văn hoá Phùng Nguyên đã để lại. Đấy là chưa nói tới khả năng chủ nhân của nền văn hoá Phùng Nguyên có thể chính là người Tày-Thái cổ” (Nguồn gốc tiếng Việt: từ tiền Việt Mường đến Việt Mường chung).
Rước tổ trong Lạc Việt Vương Hội, dân tộc Choang - Quảng Tây (Trung Quốc)
Ghi chép của Vũ Phạm Hàm trong Hưng Hóa Chí cho biết Lạc dân sinh sống và làm ruộng tại phủ Lâm Thao. Vậy khối Lạc dân đó đi đâu? Tại sao người Việt ngày nay lại không phải là ngữ hệ Tai – Kadai mà lại là chi hệ Việt Mường (ngữ hệ Môn – Khơ me). Câu trả lời rất có thể nằm ở Cao Biền?
Năm 858, chiến tranh Nam Chiếu – Đường bùng phát tại Giao Châu. Nhiều thủ lĩnh địa phương đã hợp lực với Nam Chiếu (một quốc gia với chủ lực là Tai – Kadai) tấn công trị sở Giao Châu. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150.000 người”.
Trả đũa cuộc tàn sát này, nhà Đường sai Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ. Biền đi đường biển lên tới Phong Châu đánh giết hơn 50 ngàn người Man đang gặt lúa. Biền đóng quân ở Phong Châu trước khi tiêu diệt thêm gần 50 ngàn người Man lấy lại trị sở Giao châu (Đại Việt Sử Ký toàn thư).
Kết thúc chiến tranh, Biền xây dựng Đại La với 40 vạn ngôi nhà nhằm quy tụ những người người bản địa, người Hán chạy nạn họa Nam chiếu, đồng thời tiếp nhận dân di cư tới từ phương Bắc. Cuộc chiến tranh Đại Đường – Nam Chiếu đã đem đến hai hệ quả:
* Càn quét, làm suy yếu nghiêm trọng Lạc dân nhất là tại trung tâm Phong Châu. Những thủ lĩnh địa phương ủng hộ Nam Chiếu đều bị Cao Biền bắt giết. Trong khi đó nhóm Việt Mường ở vùng Thanh Hóa – Ninh Bình không bị ảnh hưởng nhiều.
* Hình thành “Cao vương cố đô Đại La thành” - Thăng Long từ dưới nước mọc lên. Đây là nền móng cho sự phân chia Kinh – Trại, trung tâm quyền lực của Lý – Trần sau này.
Kinh thành Thăng Long - mọc từ biển lên. Hình ảnh sưu tầm
Về phần người Mường, đây vốn là sắc dân săn bắt, nương rẫy. Tuy nhiên họ đã được người Hán dạy dân trồng lúa (ĐVSKTT kỉ Bắc Thuộc – Thuộc Hán dạy dân trồng lúa: ghi lại việc khái hóa của Nhâm Diên, Tích Quang). Cũng có thể họ học kỹ thuật canh tác lúa nước từ Tai – Kadai. Trên vùng đồi núi Thanh Hóa, Ninh Bình, họ được bổ sung thêm sức mạnh từ những người Hán di cư (sự hiện diện của Đường Lâm?).
Đến thế kỷ X, thế lực này đã đủ sức kiến quốc lập đô. Từ Hoa Lư, Đại Cồ Việt mở những cuộc tấn công vào các mường Thái còn tồn đọng và bất phục tòng. Chiến tranh Hoa Lư – Cử Long (rồng ngẩng đầu – Khá giống với Ngu Háu Thủ lĩnh người Thái – Rắn Hổ Mang) diễn ra liên tục và kéo dài tới tận thời Lý.
Tượng thần Shiva (chùa Võng La, Đông Anh, Hà Nội). Chất liệu đá, nguồn: Nguyễn Tiến Đông
Đại Cồ Việt (sau là Đại Việt) đã mở những cuộc tấn công dữ dội vào những lớp cư dân Đông Sơn cuối cùng (người man). Sau này Tày – Nùng (Lạc Việt) ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ cũng là nạn nhân. Và đó là nguồn cơn để người Việt nay không còn là con cháu Văn Lang – Hùng Vương (nếu có).
Mường, Hán, Chăm hòa huyết tạo thành Kinh
Biển lui dần, châu thổ mở ra. Tại khu vực nay là Hà Nội đã bắt đầu tiếp nhận thêm những luồng dân di cư. Rất nhiều người Mường (bản địa) đã tiến xuống cùng khai phá. Cùng với người Hán đã bản địa hóa, người Mân, người Quảng Đông tất cả tạo nên sức mạnh ban đầu cho Đại Việt.
Tranh 3d phục dựng lại cảnh Hoàng thành Thăng Long thời nhà Lý. Nguồn nghiencuulichsu.com
Tháng 9, nhuận, xuống chiếu kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết, ngay lúc bấy giờ thì không bị tội “ – ĐVSK TT. Lê Tư trong “Hợp tác với quân Minh: Người Kinh Lộ” đã nhận xét rất lý thú: “chiếu chỉ khéo léo tránh va chạm phong tục địa phương vì triều đình chẳng tỏ ý bắt tội ai, cũng chẳng phán xét gì, chỉ cho ông chồng khoảng thời gian và không gian rất hẹp để tự xử lý. Đối tượng xử lý lại không phải là người đàn bà. Dường như thời điểm đó, phụ nữ có quyền làm như thế …Cũng có thể những phu nhân “phóng đãng” xuất thân từ các gia tộc hào sĩ địa phương mà sự thuận thảo của họ rất quan trọng đối với chính quyền Thăng Long”.
Đại La tiếp nhận dòng di cư từ Nam Hán, Mân, Việt (khi hai nước này bị Tống diệt). Điều này khiến hoàng đế Lê Hoàn đặc biệt chú ý. Đại Việt Sử Ký toàn thư cho biết, hoàng đế của miền Hoa Lư đã phong tới năm người con của mình làm Vương tại châu thổ sông Hồng. Mối quan hệ hôn nhân giữa nhà Lê với Lý Công Uẩn, con đường tiến thân thần tốc của Lý cũng đặc biệt lý thú.
Nhưng sẽ đơn giản hơn nếu ta nhìn nhận trên tương quan giữa Hoa Lư với Đại La. Không phải đương nhiên là sau cuộc đảo chính cuối năm 1009, Lý Công Uẩn đã “thiên đô” về Đại La. Nơi đây, ông có cứ địa là tòa thành vững chãi của Cao Biền và những đồng bào. Từ kinh đô, nhà Lý phóng ra các cuộc tấn công vào Tai - Kadai và Champa và cả Đại Tống.
Chùa Một Cột một trong những ngôi chùa sớm nhất của Đại Việt thời Lý. Tương truyền được vua Lý Thái tông xây để cầu tự.
Chùa Một Cột một trong những ngôi chùa sớm nhất của Đại Việt thời Lý. Tương truyền được vua Lý Thái tông xây để cầu tự. Ảnh st.
Vào những thập kỷ cuối của TK XIII, với sự sụp đổ của Nam Tống (1279), châu thổ sông Hồng đón nhận hàng vạn nạn dân Tống triều. Trần triều đã cấp cho họ những vùng đất đặc biệt quanh kinh thành Thăng Long. Đến lúc này, phong thái mới mở ra: Đại Việt chuyển hóa sang Tống Nho.
Nho gia đã hoán cải phong tục nước Nam. Điều này khiến Trần Nghệ Tông phẫn nộ: “Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc... thật không kể xiết." (ĐVSK TT)
Từ “mặt trắng” mà Nghệ tông dùng phần nào cho thấy nguồn gốc phương Bắc của “bọn học trò”.
Châu thổ sông Hồng còn đón nhận tầm 10 vạn cư dân Champa là tù binh trong các chiến dịch 1044, 1069, 1252, 1471. Riêng chiến dịch 1069, Lý Thánh Tông bắt về hơn 5 vạn tù binh. Hàng trăm làng Chăm được lập quanh Hà Nội, khu vực Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (Đinh Đức Tiến - Vũ Diệu Trung: Dấu tích làng Chăm trên đất Bắc).

Giữ hồn phương Nam

Từ sự mạnh mẽ của người Mường, từ văn hóa Cham trên đất Bắc, người Hán bị bản địa hóa, tất cả tạo nên context Đông Nam Á cho Việt Nam. Một sự hòa trộn kỳ lạ với đủ mọi dạng tức khác nhau, liên tục trong nhiều thế kỷ để rồi có được người Kinh.
Người Cham đã lan tỏa văn hóa của mình. Trong một chừng mực nào đó lục bát Cham (thơ Cham thể Ariya) đã giúp hoàn thiện niêm luật cho lục bát Việt. Kỹ thuật đào giếng của người Cham đã góp phần làm nên bản sắc làng Việt. Kể cả hát quan họ, hát xoan vẫn phảng phất bóng hình dân ca Cham.
Lễ hội của người Cham, dễ dàng nhận thấy trang phục Cham có rất nhiều nét tương đồng với Áo Dài - Quốc phục Việt Nam
Và Lúa Chiêm giúp nhân đôi sản lượng lương thực cho đồng bằng Bắc Bộ (từ một vụ/năm thành 2 vụ/năm), tăng cường sức mạnh Đại Việt. Các nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, mây tre đan, dệt cũng đặc biệt phát triển ở những làng Cham trên đất Bắc.
Cối xay gạo người Việt, hoàn toàn giống với cối xay của người Cham
Thử thách cho người Kinh rất dữ dội, khắc nghiệt. Người Kinh Lộ trước khi thành Việt, đã muốn biến Đại Việt thành quận huyện của nhà Minh (Xem thêm: Lê Tư trong Hợp tác với quân Minh: Người Kinh Lộ). Tiêu biểu có Mạc Thúy, Lương Nhữ Hốt, Nhữ Ninh… Những kẻ này đem hàng vạn người Kinh lộ giúp quân Minh truy bắt vua tôi triều Hồ, làm quan sống chết vì Minh triều.
Tuy nhiên sự mạnh mẽ của người Mường đã đưa Đại Việt trở lại quỹ đạo. Những chiến binh Mường vùng đất Lam Sơn đã lấy lại giang san người Việt (1428). Thời đại thống trị của nhà Hậu Lê mở ra sức bành trướng mới cho người Việt và khiến Kinh phải “ngoan”hơn.
Quang cảnh triều đình thời Lê Sơ (1428 - 1527)
Quang cảnh triều đình thời Lê Sơ (1428 - 1527)
Không còn than thở về quân Kinh Lộ không chịu gắng sức lập công như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông mắng thẳng Ngô Sĩ Liên: "Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua” (ĐVSK TT Kỷ nhà Lê – Lê Thánh Tông). Đó là lời cảnh cáo nghiêm khắc, một sự áp chế của phương Nam đối với “bọn học trò mặt trắng”.
Và đó là câu chuyện về Việt Nam, về sự hình thành của người Kinh. Bắt đầu từ một châu thổ trẻ, sau một ngàn năm gian lao, khốc liệt hồn cốt Việt Nam được định vị với cái đầu rất Hán và trái tim phương Nam. Câu truyện về Văn Lang, Kinh Dương Vương, Lạc Lọc quân Âu Cơ ... chỉ đơn giản là chuyện của Tai - Kadai không phải là của Việt Nam hôm nay.
Thư mục tài liệu tham khảo chính
1. Phùng Văn Phách (CB): Sự hình thành và phát triển của châu thổ sông Hồng giai đoạn Holocene NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ 2018
2. Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên: Đại Việt Sử Ký toàn thư NXB Khoa học xã hội Hà Nội 1993
3. Khuyết danh: Đại Việt Sử Lược bản PDF
4. Tạ Chí Đại Trường: Bài sử khác cho Việt Nam (bản PDF).
5. Keith Taylor: Việt Nam khai quốc người dịch: Lê Hồng Chương, Đinh Từ Bích Thủy (bản PDF).
6. Li, T. (2016). A Historical Sketch of the Landscape of the Red River Delta
7. Vũ Đức Liêm: Lịch sử khai thác tự nhiên ở châu thổ sông Hồng (báo Tia sáng).
8. Phạm Đức Dương: Nguồn gốc tiếng Việt: từ tiền Việt Mường đến Việt Mường chung
9.Inrasara: (1) Lục bát và các dòng thơ lục bát, (2) Giải huyền thoại lục bát.
10. Đinh Đức Tiến - Vũ Diệu Trung: Dấu tích làng Chăm trên đất Bắc
11. Nguyễn Tiến Đông: Dấu ấn văn hóa Chămpa ở Kinh thành Thăng Long (baotanglichsu.vn)
12. Lê Tư - Hợp tác với quân Minh: Người Kinh Lộ nghiencuulichsu.com
* các bản đồ có vẽ Châu thổ sông Hồng được sưu tập từ "Đồng bằng sông Hồng ngày xưa - BS Đỗ Hoàng Ý
* Người viết còn sử dụng nhiều tài liệu liên quan khác

1 nhận xét: