Người Việt và cuộc xâm lăng Chiêm Thành kỳ 2: Đại Việt xâm lăng, Indrapura diệt vong

Thứ Hai, 13 tháng 11, 20171nhận xét

Nhiều người Việt Nam chúng ta biết về Chiêm Thành nhưng không biết về một liên bang đa chủng tộc từng rất giàu có nằm tại duyên hải miền Trung. Nhiều người trong chúng ta biết về những tháp Chàm nhưng không biết về chữ Chăm và rằng người Việt với rất nhiều nỗ lực vẫn không thể có được chữ viết của riêng mình. Nhiều người trong chúng ta biết thanh gươm mở cõi nhưng không biết đến những cuộc cướp bóc kiểu tam quang mà cha ông đã tiến hành với người Chăm trong suốt ngàn năm.
Quãng Thế Kỷ IX, Thế Kỷ X, trên vùng đất từ nam Cửa Sót (Hà Tĩnh) vào tới tận sát Bà Rịa, là lãnh thổ Liên bang Chăm gồm 4 tiểu quốc: Indrapura, Vijaya, Kauthara, Panduranga. Riêng Panduranga nằm trong không gian văn hóa Chăm, chung biên giới chính trị Chiêm Thành nhưng là một tiểu quốc được nhận định là ương ngạnh, ưa phản loạn, thậm chí nếu cần còn sẵn lòng đánh trả lại chính quyền trung ương.
Indrapura nổi lên như vương quốc đứng đầu trong liên hiệp các tiểu quốc Chăm (hoặc Liên bang Chăm). Tiểu vương quốc này có lãnh thổ từ nam cửa Sót (Hà Tĩnh) đến hết đất Quảng Nam. Trong đó, phần đất nam Cửa Sót – Bắc Hải Vân là Lâm Ấp của Khu Liên khi xưa; nam Hải Vân đến giáp ranh Bình Định thuộc về tiểu quốc Amaravati. Có lẽ trong thời kỳ Hoàn Vương Quốc, Amravati đã thống nhất với Indrapura chăng?
Sự suy vong của Indrapura - Ảnh Bảo tàng nhân học - ĐH KHXH và NV Hà Nội
Kinh đô của Indrapura ban đầu nằm ở Quảng Nam sau đó thiên di ra phía Bắc đặt tại Thừa Thiên Huế ngày nay tức là thành Phật Thệ còn được dân gian gọi với cái tên thành Lồi.
Đại Việt tấn công, Indrapura mất nửa lãnh thổ
Thế kỷ X, Đại Việt kiến quốc, sức nước hùng mạnh; vàng của Chiêm Thành cũng hấp dẫn quân vương Đại Việt không kém gì vàng của Quảng Nguyên (Cao Bằng). Vùng Nghệ An, Hà Tĩnh trù phú lên, con đường thông thương qua Khai Trại (có thể là cửa khẩu Cầu Treo ngày nay) nối thông vùng đất này với Chân Lạp, Ai Lao. 
Đại Việt gây sức ép nặng nề lên Indrapura, chiến tranh bùng phát. Cuộc chiến Đại Việt – Chiêm Thành thế kỷ X – XI có lẽ chỉ giới hạn trong chiến tranh Việt và Indrapura, Kinh đô Chiêm là Phật Thệ ở Thừa Thiên Huế ngày nay bị tàn phá, chứ không phải là thành Đồ Bàn (tại Bình Định) như vẫn lầm tưởng.
Thành Phật Thệ - thành Lồi - giờ chỉ còn là đống đổ nát hoang vu (nguồn VNEX)
Quy mô, sự đẫm máu của cuộc chiến này chỉ hơn chứ không kém các cuộc chiến mà người Việt chống lại phương Bắc xâm lăng. Về phía Chiêm Thành, Vijaya và các tiểu vương quốc phía nam không bị tàn phá.
Trong 87 năm, Đại Việt ba lần kéo đại binh chinh phạt Chiêm Thành. Năm 982, sau chiến thắng Tống, Lê Hoàn viện cớ Chiêm giam giữ sứ của Đại Cồ Việt, kéo quân đánh, tàn phá kinh đô Phật Thệ; năm 1046, Lý Thánh Tông đánh Chiêm cướp phá thành trì, bắt vợ vua Chiêm cùng 5000 tù binh, vàng bạc đem về; ít nhất vài vạn người Chiêm chết trong cuộc chiến này; năm 1069 Lý Thánh tông đánh Chiêm bắt 5 vạn tù binh.
Đó là chưa đến kể những lần tấn công Chiêm Thành của nhà Tiền Lê (vào các năm 995, 997), các cuộc tấn công của các thân vương, đại quan nhà Lý như thái tử Phật Mã (sau là Lý Thái Tông), Lý Thường Kiệt...
Trong khi đó tại biên giới phía Bắc, sau hai lần chiến tranh, Tống Việt hữu hảo tới hàng trăm năm.
Nhiều khi chiến tranh nổ ra bởi những lý do nghe ... rất buồn cười. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại việc Lý Thái Tông hỏi quần thần như sau: "Tiên đế mất đi, đến nay đã 16 năm rồi, mà Chiêm Thành chưa từng sai một sứ giả nào sang là cớ gì? Uy đức của trẫm không đến họ chăng? Hay là họ cậy có núi sông hiểm trở chăng?".
Thế là Đại Việt viễn chinh, chiến tranh bùng phát.
Sử sách của Việt Nam thường cho rằng Chiêm Thành chủ động gây ra chiến tranh: họ quấy rối biên giới, hoặc liên kết với Tống để xâm lăng Đại Việt. Nhưng thực tế, để chinh phục Indrapura giầu có, Đại Việt đã dày công chuẩn bị cả trăm năm trời.
Lê Hoàn sau khó nhọc trên đường hành quân nam chinh, đã quyết định dốc nhân lực, vật lực quốc gia đào kênh nối kinh sư (Hoa Lư) tới tận Cửa Sót, Lê Long Đĩnh tiếp tục hoàn thiện kênh đào này. Thái tổ Lý Công Uẩn cử con thứ là Lý Nhật Quang đến trấn nhậm tại Nghệ An, lập ra vài trăm kho lương, hàng trên khắp chiều dài Thanh Nghệ, Thái tử Phật Mã (con Lý Thái Tổ) kinh lý phương Nam, đánh trả Chiêm thành...
Cùng với khai hoang, lập ấp, sự chuẩn bị trên đã khẳng định quyền lực của Thăng Long tại vùng đất Nghệ An – Hà Tĩnh, cung ứng đủ lương thảo, hậu cần cùng các thông tin cần thiết cho các cuộc viễn chinh sau này. Từ việc đơn thuần là đánh cướp tài sản, nhân lực, Đại Việt giờ đã hoàn toàn đủ sức mạnh để thôn tính đất đai của Chiêm Thành, bành trướng lãnh thổ.
Áp lực của Đại Việt lên Indrapura lớn đến nỗi tiểu vương quốc này không chống lại thì bị mất nước bởi kế sách tằm ăn dâu, chống lại thì Đại Việt phát động đại xâm lăng. Sau ba lần chinh phạt quy mô lớn, cùng vô vàn các cuộc trấn áp, bình định, hăm dọa, Indrapura oai hùng một thủa bị khuất phục. Họ mất 3 châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh, lãnh thổ chỉ còn lại vùng đất tương ứng với Huế và Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay.
Văn bia của Harivaman ghi lại: Kẻ thù đã vào vương quốc Champa, tự xưng là những kẻ cầm quyền; đã cướp đi tài sản của hoàng gia và của cải của chư thần; đã phá hủy đền thờ, tu viện, nơi an cư, làng mạc và các tự viện khác cùng với ngựa, voi, trâu bò và mùa màng; đã hủy diệt mọi thứ trong các tỉnh thành của vương quốc Champa; đã cướp đoạt những ngôi đền thờ thần Srisanabhadresvara và tất cả những phẩm vật mà các vị vua trước kia đã phụng hiến cho thần Srisanabhadresvara; đã vơ vét tất cả của cải của thần và cướp đi những nhân sự tùy thuộc ngôi đền, các vũ nữ, nhạc công… những người phục dịch cùng với tài sản trù phú của Srisanabhadresvara; ngôi đền bị cướp sạch và bỏ phế…
Lưỡi gươm mở cõi đã làm tam hoang kinh thành Phật Thệ, hàng vạn tù binh Chiêm bị bắt về được các vua Lý cho lập trại ở rải rác từ Nghệ An ra tới tận Phú Thọ, vàng bạc theo đó chất đầy trong kho triều Lý, văn hóa (kiến trúc, phật giáo Tiểu Thừa) du nhập ra bắc.
Indrapura đã cố gắng phục hưng sau cuộc chiến 1069, nhưng sau đó họ tiếp tục gặp rắc rối với các cuộc tiến công của Chân Lạp tức là đế quốc Kh’me và áp lực của Đại Việt vẫn không ngừng gia tăng. Tiểu quốc Indrapura suy vong, vai trò của Vijaya nổi lên.
Hôn nhân chính trị Huyền Trân – Chế Mân: xóa sổ Indrapura; sự hưng vượng của Vijaya
Đại Việt sử ký toàn thư chép: sau khi trở về từ Vijaya, năm 1305, Trần Nhân Tông đã quyết định gả con gái Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Đó là cuộc hôn nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Để cưới được cô công chúa của Đại Việt, nhà vua Chế Mân đã phải dâng 2 châu Ô – Lý làm lễ vật.
Nhưng!
Chiêm Thành theo thể chế Liên Bang mà Vijaya có lãnh thổ tại khu vực Bình Định ngày nay lại chỉ là một trong các tiểu vương quốc trong liên bang đó. Chế  Mân có quyền gì mà cắt đất vốn chẳng phải của mình cho Đại Việt làm đồ dẫn cưới?
Chế Mân vốn là anh hùng chống Toa Đô, cũng là vị minh quân của Vijaya, sao lại hám công chúa Đại Việt đến mức cắt đất làm quà cưới?
Và đặc biệt, người Chăm theo Mẫu hệ, phụ quyền. Đàn ông làm chủ gia đình, nhưng mọi tài sản kể cả đất đai lại thuộc về người vợ. Vua nắm quyền lực chính trị, quân sự nhưng đó là để bảo vệ tài sản của Hoàng Hậu, ông không được quyền đem bán, đổi chác bất cứ cái gì thuộc về tài sản của bà.
Ngai vàng vua Chăm còn có thể được chọn từ các thân tộc họ vợ, ngai vàng đó cũng được coi là một tài sản của Hoàng Hậu.
Thế thì chuyện Chế Mân dám cắt đất nhà vợ để lấy thêm vợ mới càng trở lên vô lý.
Điều gì lý giải việc Chế Mân cắt Ô, Lý làm quà dẫn cưới Huyền Trân công chúa?
Bước vào giữa thế kỷ XIII, một tai họa mới ập đến cho cả Đại Việt và Chiêm Thành, đó là cuộc xâm lăng của Mông Nguyên. Trong vòng 30 năm từ 1258 đến 1288, Đại Việt phải chống trả rất vất ba cuộc tấn công của quân Mông Cổ, sau này là nhà Nguyên. Trong khi đó tiểu vương quốc Vijaya phải chống đỡ trước cuộc tấn công của thủy binh Toa Đô (một danh tướng nhà Nguyên).
Sau chiến tranh, cả Đại Việt và Vijaya đều bị tàn phá nặng nề, riêng Đại Việt còn phải tiến hành chiến tranh với Ai Lao hao tổn rất nhiều nhân lực, tiền của.
Có lẽ cư dân trên tiểu vương quốc Indrapura cho rằng đây là cơ hội để họ khôi phục lại lãnh thổ cũng như uy thế của Lâm Ấp thủa nào. Phần đất Nam đèo Hải Vân và Thừa Thiên Huế lúc này vẫn là lãnh thổ của họ, phần từ nam Cửa Sót đến hết Quảng Trị đã bị Đại Việt thôn tính.
Liên minh Đại Việt – Vijaya (vốn được hình thành từ cuộc chiến chống Mông – Nguyên) lập tức đối phó. Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông kinh lý phương Nam, sang tới tận Vijaya kết thân với Chế Mân. Ông ở lại thành Vijaya (Đồ Bàn) hơn tám tháng trời.
Trong tám tháng đó, không biết hai vị quân vương đã định ước với nhau những gì?
Rất có thể, hai bên đã đi đến thống nhất việc xóa sổ và chia nhau lãnh thổ Indrapura chăng? Theo đó, quân Trần nam tiến chiếm nốt phần phía bắc của tiểu quốc này là Ô, Lý rồi đổi thành Thuận Châu, Hóa (Huế) châu; Vijaya bắc tiến lấy hết phần đất phía nam.
Đèo Hải Vân thành biên giới mới giữa Việt với Chiêm. Huyền Trân được coi như một biểu tượng, hoặc đơn giản là làm tin để củng cố thêm liên minh giữa Đại Việt với Vijaya. Và để con tin này đến được Vijaya phải mất tới 5, 6 năm trời.
Với sức mạnh của Liên minh Đại Việt - Vijaya, Indrapura bị thôn tính hoàn toàn. Từ đầu thế kỷ thứ XIV, sử sách Đại Việt ghi lại những lần cứ sứ đoàn đến Đồ Bàn - tức Vijaya, và không còn đề cập tới thành Phật Thệ thủ phủ của Indrapura. 
Sau khi thôn tính xong phần lãnh thổ của Indrapura, Vijaya hùng mạnh làm bá chủ không gian chính trị Chiêm Thành, họ đủ tự tin để cất quân viễn chinh Đại Việt. Chế Bồng Nga – Vua của Vijaya đã ít nhất 12 lần bắc tiến, chiếm lại hầu hết đất cũ của Liên bang Chiêm Thành, đánh ra tới tận Thăng Long, tàn phá kinh đô Đại Việt. Nếu ông không bị đại bác của Trần Khát Chân bắn trúng (1390), có lẽ lịch sử và những quốc gia ở Đông Dương đã thay đổi.

Kỳ sau: Đi tìm cương giới Champa và đô thành Phật Thệ
Share this article :

+ nhận xét + 1 nhận xét

cần xem lại sự thật lịch sử rồi hãy viết tiếp

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo