Cai trị một quốc gia tiềm ẩn vô vàn những bất ổn, xung đột, nếu không có hình phạt nghiêm khắc và tài thao lược có lẽ Lê Long Đĩnh đã để quốc gia đi theo bánh xe đổ của họ Khúc, họ Dương và cả họ Ngô.
Lê Long Đĩnh giết anh (Long Việt) lên ngôi năm 20 tuổi. Trong 4 năm trị vì ngắn ngủi bất chấp bệnh tật và tiếng xấu giết anh, nhà vua trẻ đã thiết lập những nền tảng cho sự thịnh trị của vương triều kế tiếp và chứng tỏ năng lực chiến đấu phi thường của mình.
Một hình ảnh xấu xí của Hoàng đế Lê Long Đĩnh |
Những bất ổn triền miên
Kể từ sau họ Khúc xưng Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân (tức là Việt Nam thời nhà Đường cai trị), các Thủ lãnh, quân vương người Việt đều phải vật lộn để chống lại họa trong nhà chém giết lẫn nhau, họa cát cứ và phương Bắc tái chiếm. Thất bại đồng nghĩa với cái chết, vương triều diệt vong, quốc gia mất nền độc lập, hoặc bị chia cắt.
Thất bại của Khúc Thừa Mỹ (con Khúc Hạo) trước nhà Nam Hán được bù lại bằng việc nha tướng Dương Đình Nghệ chiếm lại thành Long Biên, khôi phục tự chủ. Chỉ 7 năm sau, Dương Đình Nghệ bị con nuôi Kiều Công Tiết sát hại, Nam Hán khởi quân xâm lược.
Ngô Quyền đánh bại được quân Nam Hán, xưng Vương trị vì được 6 năm, ngay sau cái chết của ông là loạn Dương Tam Kha, kế đó là loạn 12 sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng Đế) dẹp được loạn 12 sứ quân, ở ngôi 10 năm cuối cùng bị sát hại, Hoàng tử cả là Đinh Liễn chịu chung số phận. Lê Hoàn nhân cơ hội này phế ấu chúa Đinh Toàn tự lập làm vua (tức là nhà Tiền Lê 980 - 1009).
Bản thân vua Lê Hoàn phải bắt giết hết những bề tôi trung thành với nhà Đinh, hết phá Tống bình Chiêm lại phải dẹp loạn Hoan, Ái (tức là miền Thanh, Nghệ), Đỗ Động Giang, Cử Long …Riêng tại Cử Long, quân phiến loạn còn bắn chết cả cựu đế Đinh Toàn.
Sau, cái chết của vua Lê Hoàn năm (1006) biến loạn cung đình bùng phát, các con của Lê Hoàn khởi binh tranh đoạt ngôi vua, chiến loạn kéo dài trong 8 tháng, kết thúc bằng việc Thái tử Long Việt chiến thắng và lên ngôi.
Nhưng Long Việt ở ngôi mới được ba ngày đã bị người em Lê Long Đĩnh ám sát. Long Đĩnh lên ngôi vua, đó là hoàng đế Lê Ngọa Triều nổi tiếng hung ác trong lịch sử Việt Nam.
Dẹp loạn giữ vững nền thống nhất
Lê Long Đĩnh cướp ngôi năm 1006, khi đó ông mới 20 tuổi, sử cũ hoàn toàn không ghi chép lại việc Long Đĩnh được một vị bề tôi tài giỏi nào phò trợ. Chàng trai hai mươi tuổi này phải chiến đấu không ngừng nghỉ để dẹp yên nạn cát cứ, giữ vững nền thống nhất quốc gia, củng cố bang giao với Tống triều.
Ngay khi cướp được ngai vàng, vị vua trẻ đã phải chống lại những người anh em của mình là Ngự Bắc Vương, Trung Quốc Vương. Hai vương gia này chiếm trại Phù Lan, người Đằng Châu là Lê Hấp Ni theo đó tạo phản. Lê Long Đĩnh phải thân chinh cầm quân đánh dẹp cuối cùng bắt giết Lê Hấp Ni và đồng đảng, Ngự Bắc Vương cùng đường bị bắt, Trung Quốc Vương bị chém, Ngự Man Vương chiếm giữ Phong Châu phải quy hàng.
Loạn Thân vương được bình định xong, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép lại: “Thế là từ đấy các thân vương, giặc cướp đều hàng phục cả”.
Nhưng trong khi vua Lê Long Đĩnh cầm quân dẹp loạn Thân Vương thì giặc Cự Long vào cướp cửa bể Thần Phù vua vừa về đến Đằng Châu đổi tên thành Thái Bình lại phải dẫn binh đi đánh dẹp. 2 năm sau nhà vua dẹp loạn ở Đô Lương, Vị Long.
Mùa thu năm 1009, nghĩa là chỉ vài tháng trước khi mất vua Lê Long Đĩnh lại cầm binh dẹp loạn Hoan Đường, Thạch Hà (Hà Tĩnh ngày nay).
Trong 4 năm, nhà vua trẻ ít nhất 4 lần cầm quân ra trận, lần nào cũng chiến thắng. Cường độ cầm binh ra trận của Lê Long Đĩnh là không một vị hoàng đế nào của nước Việt sánh được, kể cả người cha vĩ đại của ông là Hoàng đế Lê Hoàn, hay nhà sáng lập Triều Lý là Lý Công Uẩn.
Nhờ tài năng quân sự và sự nghiêm khắc của Lê Long Đĩnh mà nước Việt không bị chia năm xẻ bẩy sau cái chết của hoàng đế Lê Hoàn.
Trổ tài tế thế kinh bang và nỗi oan ngàn năm
Bên cạnh tài năng quân sự, Lê Long Đĩnh còn chứng tỏ năng lực lớn trong trị quốc và bang giao. Chỉ vài tháng sau khi đăng cơ, nhà vua cho sửa đổi lại triều đình theo cung cách nhà Tống, triều đình Đại Cồ Việt giờ mới có quy củ nề nếp.
Đây có thể nói là cuộc cải cách chính trị thứ hai của người Việt (trước đó là cải cách của Khúc Hạo 907 - 917). Cuộc cải cách của Lê Long Đĩnh chắc rằng sẽ tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ hoặc là nền tảng đối với sự thiết lập bộ máy cai trị của hai vương triều Lý, Trần.
Khi chinh phạt Ái Châu, vì việc người dân lội sông Vũ Lung thường bị hại (chết đuối), Lê Long Đĩnh cho đóng thuyền tại bốn bến sông để đưa người qua lại. Nhà vua cho đào mương, đắp đường dựng cột bia, sửa chữa đường sông ở vùng cửa Sót (Hà Tĩnh) để đi lại cho tiện. Những việc làm rất "dân túy" và minh mẫn trái ngược lại những ghi chép về tính hiếu sát bệnh hoạn của vua Lê Long Đĩnh.
Từ năm 1006 đến 1009, ít nhất hai lần quan chức nhà Tống mưu đồ tái chiếm lại nước Việt, nhưng vua Tống không đồng ý, ngược lại còn công nhân Lê Long Đĩnh là Giao Chỉ quận Vương. Nhà vua đòi (xin) nhà Tống cho áo mũ trụ giát vàng, lấy Cửu Kinh và kinh Đại tạng đem về nước. Vua yêu cầu Tống triều cho người Việt vào Ung Châu đặt trạm buôn bán, kết quả, vua Tống phải mở cửa trấn Như Hồng, và Liêm Châu cho thương nhân Việt.
4 năm với đầy những chiến công, quốc gia vững vàng, đó là nền tảng quan trọng để nước Việt bước vào thịnh thế Lý triều. Bốn năm, ít bốn lần cầm quân đánh dẹp, chỉnh đốn triều đình, mở mang đường xá, phát triển thương mại, thời gian đâu để vua Lê Long Đĩnh "say đắm tửu sắc"?
Đáng tiếc sử trong tay người chiến thắng, một quân vương trẻ tuổi tài năng, lại bị vết đen ngàn năm bởi án vụ giết anh, bệnh tật và thói hiếu sát. Thương thay!
4 năm 4 cuộc chinh chiến đích thân cầm quân ra trận, võ công có khi còn hơn cả Hồ Thơm.
Trả lờiXóaViệt Nam đang phát triển rất mạnh phải không nhỉ?
Trả lờiXóa