Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 5 điều bạn có thể bạn chưa biết?

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, sự kiện, sự tàn bạo của lính Trung Quốc, sự hủy hoại của cuộc chiến đã được nhiều báo chí, các mạng xã hội nói tới nhiều, ở đây tôi chỉ đề cập tới 5 điều có thể bạn chưa biết về chiến cuộc này.

Thôi, đúng sai theo các nhà chính trị, cuối cùng nhân dân là người thiệt! Anh hùng cũng theo sóng gió nổi trôi, cuộc sống mãi trường tồn.

Xem thêm: Cuộc chiến Việt - Trung 1979, ai thắng ai bại?
Thời điểm bùng phát
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, đại chiến biên giới Việt – Trung bùng phát, nhưng ngòi châm đã bắt đầu từ trước đó ít nhất ba tháng. Quãng năm 1978, xuất hiện những xung đột trên khu vực biên giới Việt Trung, quan hệ Việt – Trung trở gió và trở nên căng thẳng. Nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng này thì có lẽ chỉ có những nhà chính trị Việt – Trung thời đó nắm được.
Cuối tháng 11 năm 1978, tôi ra đời. Trong nhật ký của papa tôi còn nghi lại, ngày đó, quân đội Việt Nam đã đẩy lui một cuộc xâm lấn của quân Trung Quốc trên một cao điểm tại biên giới phía Bắc.
Ngày 17/2/1979, theo lệnh Đặng Tiểu Bình, khoảng 50 tới 60 vạn quân Tàu tràn sang đánh Việt Nam. Tướng tư lệnh Trung Quốc là Dương Đắc Chí và Hứa Thế Hữu nghĩ rằng chỉ trong một tuần sẽ đánh đến Hà Nội thiết lập lại trật tự. Tuy nhiên họ đã thất bại.
Những lần đại chiến
Chúng ta thường chỉ quan tâm tới cuộc chiến trong tháng 2 tháng 3 năm 1979 mà ít quan tâm tới lần đại chiến năm 1984. Sau thất bại trong tác chiến 1979, phía Trung Quốc từ bỏ chiến thuật biển người, hiện đại hóa quân đội, phương thức tác chiến.
Đúng năm năm sau, họ khởi đại binh đánh báo thù, đại chiến bùng phát trở lại đó là trận huyết chiến Núi Đất – Núi Bạc tại Vị Xuyên – Hà Giang (tháng 3 đến tháng 7/1984). Lần này, phía quân đội Việt Nam đã chịu tổn thất nặng nề, nhiều ghi chép cho rằng phía Việt Nam đã phải tổn thất 3700 binh sĩ trong nỗ lực tái chiếm hai cao điểm này.
Sau cuộc chiến, tuyến phòng thủ tại Vị Xuyên lung lay, phía Việt Nam điều sư đoàn Sơn Cước 31 từ Lào về để tăng cường phòng bị. Lính của sư đoàn này phần đa là người Thanh – Nghệ, họ cạo đầu huyết chiến và khiến cho người Tàu phải táng đởm.
Thời gian cuộc chiến
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nhiều người thường hiểu theo mốc thời gian là từ ngày 17/2/1979 đến ngày 16/3 cùng năm. Thực tế đây là cuộc chiến kéo dài khoảng 12 năm và hai bên chỉ đình chỉ tình trạng chiến sự vào năm 1991 và là kết quả nghị đàm tại Hội nghị Thành Đô (tháng 9/1990).
12 năm, trên biên giới phía Bắc cái búa chiến tranh treo lơ lửng trên đầu người Việt. Vì phải phòng bị biên giới phía Bắc, quân đội Việt Nam không thể dứt điểm Khơ me đỏ trên chiến trường Cambuchia.
Tàn chiến
Quãng năm 1988, 1989, quân đội Việt – Trung trên các cao điểm biên giới đã mệt mỏi và chán ngấy việc lẩn núp bắn vào nhau. Giữa những đồn trại của cả hai phía bắt đầu có những thỏa ước ví như người đi lấy nước thì mặc áo gì để tránh bị bắn, hai bên định kỳ nã pháo vào nhau, nhiều khi binh lính hai phía còn “giao lưu” mời nhau thuốc lá và kẹo ngọt.
Binh lính hai phía không những không căm thù lẫn nhau mà còn tìm cách giúp cho đối phương được sống. Các nhà lãnh đạo của cả Việt Nam và Trung Quốc đã cho rằng chiến sự đến đây là đủ và họ tìm cách chắp nối đàm phán để chấm dứt chiến sự.
Hòa đàm Thành Đô (tháng 9 năm 1990) và oán cừu còn mãi
Nội dung hòa đàm thì vẫn còn là một bí mật, nhưng tại hội nghị này, Giang Trạch Dân tặng đoàn Việt Nam hai câu thơ của Lỗ Tấn: Độ tận kiếp ba huynh đệ tại; Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu” - Phong ba trôi hết, anh em còn/Gặp nhau miệng cười, hận thù tan.
Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Văn Linh cũng xúc động viết: “Huynh đệ chi giao số đại truyền; oán hận khoảnh khắc hóa vân yên; tái tương phùng thời tiếu nhan khai; thiên tải tình nghị hựu trùng kiến” - anh em qua lại đã mấy đời, oán hận khoẳnh khắc hóa mây trôi, lại tương phùng trong nụ cười rộng mở, ngàn năm tình nghĩa cùng dựng xây.

Nhưng có lẽ oán hận sẽ vơi trong lòng người Việt khi các quân đoàn chủ lực tinh nhuệ nhất kịp tham chiến và biến biên giới phía Bắc thành mồ chôn quân Tầu. Chỉ có điều, trước khi có cuộc huyết chiến như vậy, quân Trung Quốc đã nhanh chân tháo lui về bên kia biên giới.

Để lại cho người Việt mối hận sầu thiên cổ!

1 nhận xét: