Quyên ngôn luận của ta: Nếu có chăng, sẽ sản sinh sau khi lập hiến

Thứ Hai, 12 tháng 11, 20123nhận xét


Trong khi quan Tổng trưởng Raynaud còn lưu trú trong cõi Đông Pháp, các báo Tây, Nam ở xứ này đều đã đồn vang lên rằng rồi đây người Việt Nam ngôn luận sẽ được tự do. Sau rõ ra thì cái tin ấy quả không đến nỗi sai lầm. Nhưng kỳ thực thì chỉ có bỏ sở kiểm duyệt đi, các báo được tự do xuất bản mà chịu lấy trách nhiệm; còn như sự lập ra một tờ báo thì cần phải xin phép. Chánh phủ có cho mới được lập.

Như vậy, chưa phải là ngôn luận tự do đâu; chúng ta chưa có được cái quyền ấy đâu. Chớ vội tưởng mà lầm.

Và nếu thi hành luôn một lần hai việc: sở kiểm duyệt đã bỏ, sự lập báo lại không cần xin phép nữa, là chúng ta cũng chưa được quyền ngôn luận tự do đâu vậy.

- Sao thế? Hẳn có người lấy làm lạ mà hỏi. Nếu Chánh phủ tha hồ cho ta ra báo, và muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, không có kiểm duyệt, ấy là Chánh phủ cho ta ngôn luận tự do đó, chớ còn thế nào nữa mới là ngôn luận tự do?

- Phải. Nhưng mà cái quyền tự do ấy không có gốc. Từ đâu sản sinh ra nó? Câu ấy quả thật không có đường trả lời. Bởi vậy biết cái quyền tự do không có gốc nó không vững.

Chớ tưởng rằng sau khi quan Toàn quyền ra một cái nghị định, bãi sở kiểm duyệt, ấy là nhà ngôn luận Việt Nam được quyền tự do, chớ tưởng vậy mà lầm.

Nếu rồi đây quả có cái nghị định ấy của quan Toàn quyền thật nữa là chúng ta cũng chỉ nên kêu nó là cái nghị định bãi sở kiểm duyệt mà thôi, không thể kêu nó là cái nghị định ban quyền tự do cho nhà ngôn luận Việt Nam được.

Quyền ngôn luận tự do không hề bởi một ông quan thủ hiến ban cho mà có được, nó không khi nào sản sinh ra bởi một cái nghị định.

Ở các nước văn minh, quyền ngôn luận tự do cho đến các quyền tự do khác nữa cũng đều sản sinh ra bởi hiến pháp. Hiến pháp nhìn nhận cho nhân dân có quyền ấy thì nhân dân có quyền ấy, chứ không phải bởi một người nào ban cho đâu.

Hiến pháp đã sản sinh ra quyền ngôn luận tự do được rồi, nhưng nếu nó bị giày đạp đi thì sao? Vì lẽ đó nên còn phải có pháp luật để bảo hộ nó nữa.

Tức như hiến pháp Nhật Bản, điều thứ 20, nói rằng: Thần dân Nhật Bản, ở trong phạm vi pháp luật, có quyền tự do được ngôn luận, xuất bản, v.v..

Mà chẳng những Nhật Bản, trong hiến pháp nước nào cũng vậy, cũng có một điều nói riêng về quyền ngôn luận tự do từa tựa như thế. (Xem điều thứ 10 và 11 trong bản tuyên bố nhân quyền của nước Pháp).

Nói thế, nghĩa là: Về quyền ngôn luận tự do, hiến pháp đã nhìn nhận cho nhân dân có quyền ấy rồi; nếu nhân dân ở trong phạm vi pháp luật mà ngôn luận, thì không ai được xâm phạm tới. Như vậy là còn có pháp luật nữa để bảo hộ cho cái quyền mà hiến pháp đã nhận nhìn cho.

Hiện nay xứ ta chưa có hiến pháp, cái quyền tự do ấy không ai nhìn nhận cho, nó đã không từ đâu sản sinh ra được; mà cũng chưa có luật riêng về việc làm báo, thì dầu có quyền ấy chăng nữa, nó cũng chẳng có cái gì bảo hộ cho. Thế thôi, còn nói chuyện gì!

Nếu quả trong ít hôm nữa, quan Toàn quyền ra nghị định bãi sở kiểm duyệt, thì chúng ta cũng chỉ nên coi là một điều quảng đại mà thôi, chứ cái đó chưa phải là có ích lợi gì cho sự bày tỏ ý kiến của nhân dân ta vậy.

Bởi sao? Bởi hiến pháp chưa có, pháp luật chưa phân minh, nhà ngôn luận trên không có chỗ chằng, dưới không có chỗ cột, thì sự khó khăn lại còn hơn là lúc còn cái chế độ kiểm duyệt nữa.

Quả như trong lúc này mà bãi sở kiểm duyệt, thì thật là một cái thời kỳ quá độ của nhà ngôn luận Việt Nam. Mà quá độ một cách hiểm nghèo, khác nào chiếc thuyền không chèo không lái mà thả ra giữa biển khơi?

Ai dám dự đoán rằng sau khi bãi chế độ kiểm duyệt thì báo chí An Nam sẽ mạnh dạn hơn xưa?

Ai dám đoán như vậy, chứ chúng tôi thì không. Trên không chằng, dưới không cột, thì lấy đâu mà mạnh dạn? Nếu vậy, chúng tôi đâu dám nhận là sự lợi ích?

Cái quyền ngôn luận Việt Nam có hay không, không ở trong thời kỳ phế kiểm duyệt này mà ở trong thời kỳ lập hiến sẽ tới.

Đông tây trong một số trước, bài nói về trừ tiệt cái tệ hối lộ, chúng tôi cũng tỏ ý rằng đợi đến ngày lập hiến, quan và dân có quyền hạn phân minh thì cái tệ ấy họa may mới trừ hẳn được. Hôm nay về sự ngôn luận tự do, chúng tôi cũng chỉ tỏ ra cùng một cái ý kiến ấy. Trừ ra chỉ có đến ngày lập hiến, mà trong hiến pháp không nhận nhìn cho dân có một chút quyền nào hết thì chúng ta mới là thất vọng đó thôi!

Song có lẽ nào lại thất vọng đến như thế. Gọi là hiến pháp, chẳng qua là một tờ giao kèo để làm việc với nhau. Nếu dân không có một chút quyền gì, thì sao gọi là hiến pháp?

Nhà ngôn luận chúng ta nếu được quyền tự do nhiều ít là ở vào sau cuộc lập hiến sẽ tới đây. Còn ngày nay, nếu cái chế độ kiểm duyệt mà quả bị phế đi nữa, chúng ta chưa phải đã được tự do đâu, xin các bạn đồng nghiệp hãy chú ý.
Bài của Phan Khôi biên tận năm 1931 (Bài đăng trên Đông Tây, Hà Nội, số 131), đến giờ Lừa vưỡn còn ước muốn. Sẽ đăng tiếp: Về Tự Do Báo Chí
Share this article :

+ nhận xét + 3 nhận xét

Chính Ủy
lúc 00:46 12 tháng 11, 2012

Thay từ "quan Toàn quyền" bằng "thủ tướng" và "sở kiểm duyệt" bằng "ban tuyên giáo trung ương" là thành bài báo ngày hôm nay. Dưng mờ không, hôm nay mùa quít mới được như thế, xóa bỏ ban tuyên giáo thì bằng "tự sát" như bác cựu Chiết "thức ngủ ngủ thức canh giữ hòa bình" nói à? bằng nhổ vào lệnh quan toàn quyền X cấm báo tư nhân à? Như đỉnh kao chý tuệ nói, dân chủ xứ Lừa là phải khác các xứ còn lại, vì đây là dân chủ cho lừa. Cấm nghĩ khác, nói khác, trình bày khác, phản ánh khác ý của Người-chăn-Lừa-vĩ-đại. Lừa thì chỉ được tự do kêu đại loại be be thôi. Báo viết cho lừa đọc cần gì đúng sự thật. Đúng là người-tổ-chức-mọi-thắng-nợi sáng suốt thật

lúc 10:09 12 tháng 11, 2012

Đã biết rằng không có rừng mơ phía trước. Thế mà cả đoàn vẫn dắt díu nhau đi.
Nếu cụ Phan Khôi biết cái tự do ngôn luận ngày nay. Hẳn thủa trước cụ lấy làm may lắm lắm !?

lúc 21:47 12 tháng 11, 2012

Bài hay quá. Cám ơn con nở.

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo