Thừa Thiên Huế đang trong hành trình trở thành một thành phố Trực thuộc Trung ương. Điều đó thì người dân cả tỉnh này ai cũng biết, báo chí rầm rộ PR cũng được mấy năm rồi.
Nhưng có một điều khá lạ là Thừa Thiên Huế chưa xác định rõ được lợi thế cạnh tranh của một tỉnh đang trong giai đoạn chuyển đổi từ Nông thôn lên thành thị. Một giai đoạn đầy thử thách song cũng rất nhiều cơ hội.
Điểm đi điểm lại công nghiệp của tỉnh có được ba thế mạnh, bia, xi măng và may mặc. Bia Huế một thương hiệu mạnh, nhưng tất nhiên không thể nào bằng được với Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn và càng không thể trở thành một thương hiệu mang tính động lực phát triển. Xi măng Kim Đỉnh chưa so sánh được với Hải Phòng, Chinfon, hay Hoàng Mai mà ngay cả những thương hiệu như vậy còn chưa gánh được vai trò động lực phát triển cho các địa phương như Hải Phòng hay Nghệ An... Dệt may mới chỉ là lớp áo bên ngoài khi chưa có được công nghiệp phụ trợ, thiết kế chế tạo mẫu và cả nhuộm.
Huế thiếu đại gia, hay nói cách khác thiếu thương hiệu mạnh mang tầm chiến lược, cơ hội qua đi từ cách đây mười năm và giờ rất khó để tỉnh có thể tạo dựng một thương hiệu như vậy cho mình.
Giai đoạn cửa mở vốn đầy thử thách song cũng rất nhiều cơ hội.
Nói thử thách là bởi Thừa thiên Huế cần nhanh chóng có được bước chuyển mạnh mẽ trong lượng và chất nền kinh tế, trong kết cấu hạ tầng đô thị. Trong khi đó nghị định 11 về cắt giảm đầu tư công vẫn còn nguyên hiệu lực, Thừa Thiên Huế rất khó trong việc huy động vốn ngân sách từ trung ương, hoặc địa phương để đầu tư cho các công trình trọng điểm của mình. Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch cho rằng: "Tỉnh nghèo làm việc gì cũng phải tính, đầu tư một đồng phải nghĩ đến hiệu quả của một đồng đó". Tất nhiên thử thách nằm ngay trong tâm tính người Huế: Quá cẩn thận, chu toàn và có cả gì đó quá kinh viện quý tộc; họ cần kiệm, lặng lẽ làm việc cái gì cũng gói trong nội hàm của mình cả.
Hiển nhiên như thế mới là người Cố đô. Tập tính này trăm năm hình thành và không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai.
Trong suy thoái kinh tế, Thừa Thiên Huế lại rất khó trong thu hút đầu tư. KKT Chân Mây - Lăng Cô, 6 tháng đầu năm chưa có một dự án đầu tư nào. Vấn đề thực sự là đau đầu với một KKT mang tầm chiến lược và là động lực phát triển của tỉnh.
Không xác định được giá trị cạnh tranh của chính mình trong giai đoạn này cũng sẽ là môt hạn chế.
Nói cơ hội là bởi Thừa Thiên Huế có đặc thù là mới tinh khôi trong công nghiệp. Trong khi nhiều địa phương quỹ đất cho phát triển công nghiệp đã trở nên eo hẹp thì tại Thừa Thiên Huế 6 KCN, Khu KT Chân Mây - Lăng Cô tất cả đều đang ở trong giai đoạn mở cửa đón đầu tư, lấp đầy diện tích quy hoạch, hoặc mở rộng. Nhà đầu tư đến Huế có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn. Nói lợi thế cũng là bởi trong giai đoạn này Thừa Thiên Huế cần khá nhiều vốn và thực sự là tỷ suất đầu tư đang khá thấp (với một tỉnh quỹ đất công nghiệp còn nhiều và không ăn đất lúa), khi lên thành phố trực thuộc trung ương, giá đất sẽ khác, đi kèm theo đó là tỷ suất đầu tư sẽ tăng lên.
Công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, một thị trường còn bỏ ngỏ và tỉnh còn dư quỹ đất cho sự phát triển của các dự án công nghiệp trọng điểm. Những dự án này không những đủ sức làm thay đổi lượng và chất nền kinh tế của tỉnh mà còn kéo khách du lịch hạng thương gia đến với Huế.
Đà Nẵng, phát triển đến một mức độ nào đó sẽ tạo ra điểm rơi và Thừa Thiên Huế cần phải tạo những nền tảng cần thiết để nắm bắt điểm rơi này. Ngay từ bây giờ tỉnh có thể tính đến các dự án làm công nghiệp phụ trợ cho thành phố trẻ Đà Nẵng. Sự song hành liên kết sẽ tạo ra động lực phát triển cho cả hai người láng giềng.
Lược qua vài lợi thế của Thừa Thiên Huế:
Đường cao tốc Huế- Đà nẵng đã được thông qua về mặt ngân sách. Khoảng 21 ngàn tỷ.
Sân bay Đà Nẵng sẽ hỗ trợ rất tốt cho KKT Chân Mây - Lăng Cô và cho cả ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Sân bay Phú Bài đang có dự án nâng cấp hạ tầng, tăng thêm chuyến bay, mở rộng sự kết nối.
Huế nằm ở trung độ đất nước, có cảng nước sâu.
Ngay khối di sản của Thừa Thiên Huế nếu biết khai thác sâu, tạo nên những chuỗi sản phẩm đặc thù thì đó là khối tài nguyên vô giá.
Có lẽ di sản và truyền thống văn hóa đang là một cái gì đó khá nặng, giằng xé giữa yêu cầu phát triển và bảo tồn. Và thực sự là như vậy, chưa bao giờ và chưa ở đâu di sản với phát triển kinh tế lại tìm được tiếng nói chung, nhất là đối với đất Cố Đô. Nhưng Thừa Thiên Huế không có cớ để mà dừng lại, ít nhất là ở cái yêu cầu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020 như Kết Luận 48 của BCT, hay như người Huế kỳ vọng là vào năm 2015.
Hơn lúc nào hết, Thừa Thiên Huế cần phải vượt lên chính mình, vượt lên những thử thách đang hiện hữu để có thể xác lập nội lực của một nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế của một đô thị. Xác định rõ giá trị cạnh tranh, Thừa thiên Huế sẽ hội đủ những điều kiện cho sự phát triển của mình.
(Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không phản ánh quan điểm của tòa báo nơi tác giả công tác)
Đăng nhận xét