HIẾP #2: Truyện ba cô

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 20120 nhận xét


TRUYỆN BA CÔ
Phần trước: Hiếp # 1
(Hoàng Phượng, con buôn khoái thơ, Bạch Trĩ nhà nòi thất kinh và Bích Loan "trí tuệ")


Hoàng Phượng có thể là một chuyên gia kinh tế giỏi cho bất kỳ tập đoàn lớn nào. Tôi thách các chuyên gia đã từng tu nghiệp ở Lomonosov, Harvard hay LBS dám ngồi tranh luận với cô về các biện pháp giảm phát, kích cầu, dương cung hay tung tin đồn nhảm. Cô mới là siêu hạng vì cô đi từ lỗ nẻ của nền kinh tế “tam nông” này đi lên. Từ bé cô đã không nguôi nghĩ đến tiền và học hỏi chuyện làm ăn. Bất cứ việc gì ra tiền cô đều quan tâm. Đánh dép nhựa từ Sài Gòn ra. Đánh niken ở Nga về. Đánh đồ lót, rau thơm và mắm tôm sang Đông Âu. Đánh người sang Trung Quốc, Đài Loan. Đánh núi đồi cho bọn giầu mới ở Hà Nội lên làm trang trại, dựng nhà sàn. Đánh villa Hà Nội cho bọn buôn ma túy ở miền núi về ở. Đánh nhầu, công thủ không sơ hở.
Không hiểu sao Hoàng Phượng thích thơ. Bé thì Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính. Lớn thì Xuân Diệu, Xuân Quỳnh. Phải chăng những cái sọ quá cụ thể lại cứ hay bị hút vào những gì trừu tượng, mông lung. Mới tuổi trăng tròn cô đã thích một anh chàng hay thơ. Sau nhờ tài thơ mà anh này được làm tuyên huấn phường. Sự nghiệp tuyên truyền huấn luyện của anh đã để lại những thành tựu bất ngờ. Cô thích nhất là một câu thơ anh làm về phong trào sinh đẻ có kế hoạch và phong trào đền ơn đáp nghĩa các thương binh liệt sỹ. Cái tài tình của anh là đã kết hợp được việc tuyên truyền cho cả hai phong trào lớn có tính chủ đạo trong vẻn vẹn mỗi một câu lục bát thần sầu:
Chị em nô nức đặt vòng
Đến mồ liệt sỹ tỏ lòng biết ơn
Hiệu quả của bài thơ là cô phải đi phá thai tại một địa chỉ nổi tiếng thủ đô – cây đa Nhà Bò, và cứ rằm tháng Bẩy nào cô cũng đến thắp hương bên gốc đa trăm tuổi. Tuy nhiên về sau thấy nhà thơ tuyên huấn thường xuyên xài tiền của mình suốt mà lại cứ mở miệng ra là coi thường dân buôn bán nên cô đã tỉnh trí. Hắn không hề thích cô. Sao vậy nhỉ? Cô hoành tráng như thế cơ mà. Cô đã bỏ hắn không thương tiếc, để cho hắn biết con buôn lật mặt như trở bàn tay là như thế nào, đừng có nghĩ đã ngủ được với ta mà hôm sau gặp lại ta không coi ngươi là người xa lạ. 
Cô tập trung tư tưởng hết mình cho những tính toán kinh doanh. Nhưng cô vẫn không bỏ thơ, những vần điệu du dương như có ma lực, cao siêu và thanh thoát. Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào… Có một lần cô đi uống bia với khách hàng thấy bàn bên có một lũ đang nói chuyện về thơ. Dù bận đưa đẩy với khách nhưng cô vẫn không bỏ qua cơ hội được nghe lỏm những bọn dặt dẹo bàn về thơ. Thế mới thấy phụ nữ tài, lúc nào cũng có thể một công dăm ba việc. Vừa đọc văn bản, vừa đánh máy, vừa buôn chuyện, vừa trông nồi chè. Bọn chúng đang nói gì đó về thơ hiện đại hay hậu hiện đại gì đấy. Có một gã trông dị hợm phán: hậu hiện đại có thể là một sự xáo trộn thể loại, khiến cho văn xuôi thì mang tính thơ và thơ thì mang tính văn xuôi, hoàn toàn không bị gò bó trong khuôn phép cổ điển mà còn phá tung cả những sự cởi trói khỏi nó. Rách việc. Thơ thì phải có vần chứ. Thôi được, miễn là đọc phải hay. Gã dị hợm đọc một bài không hiểu là thơ hay văn của ai đấy:
…Ai cũng biết Thơ là Ngôi Lời, nhưng ôm nàng chỉ thấy đời toàn lỗ. Vì Thơ ơi người thơ toàn một lũ dở hơi không biết bơi, giữa bể khổ anh chỉ còn mình em làm phao cứu hộ. Chính nghịch cảnh đã làm anh đốn ngộ, rằng cuộc đời rặt một lũ bất nhân, kể cả những người thân. Yêu cái đẹp nên phải đi cải tạo, thích nhân văn mà gặp đời tàn bạo, nên em ơi muốn làm người thì hãy yêu cái xấu. Thậm chí em còn phải giao cấu với bọn xấu nếu em muốn ngày mai em vẫn có khẩu phần…Thương lắm áo dài ơi. Anh vẫn biết em thích mặc áo dài, bởi vì em là hoa thài lài...
 Rõ là một lũ cuồng. Hay bọn chúng vừa chơi ma túy? Cô cũng đã từng “lắc” nhưng chưa thấy mình cuồng khi nào cả. Lúc nào cũng tỉnh như sáo. Hay vì Thần Tài đã làm người ta ra như vậy?
 Bạch Trĩ sinh ra là con nhà tử tế, tức là nhà cán bộ. Cha mẹ của chị là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống và sự cống hiến chí công vô tư cho xã hội. Cha chị là một Vụ trưởng, mẹ là Giám đốc một sở lớn. Ngồi ăn cơm với ông bà lúc nào cũng thấy chuyện nghị quyết, thông tư, nghị định, dự thảo luật. Nghe riết thấy phê. Hôm nào không được nghe những chuyện đó là chị cứ thấy buồn buồn. Lúc nào xem ti-vi thấy các bậc lãnh đạo và các đại biểu nói chị thấy sướng lâng lâng như thể chính chị là người đang phát biểu vậy. 
Chị nuôi mơ ước sau này sẽ học hành quy củ để tham gia vào việc soạn thảo những văn bản ích nước lợi dân đó. Chị luôn là một học sinh xuất sắc, có mặt trong cả hai đội tuyển văn và toán của trường. Có ai hỏi sao chị có thể học giỏi được cả hai thứ như vậy thì chị đáp chị muốn đi bằng cả hai chân vào cuộc đời này. Ngoài việc học hành giỏi giang chị còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, tích cực. Chị luôn luôn nổi bật. Bố mẹ chị rất động viên và tạo điều kiện cho chị tham gia công tác xã hội. Ông bà thường nói rất nhiều cán bộ cao cấp đã đi lên từ các phong trào đoàn thanh niên. Đó là nơi trui rèn lý tưởng nhất cho mọi phẩm chất vượt trội. Vào đại học chị luôn được nhận học bổng. Năm thứ hai chị đã được đứng trong hàng ngũ của đảng. Cuộc đời thật đẹp phải không các bạn. 
Ngày chiến tranh đối với thanh niên thì cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Thế hệ cha ông chúng ta đã rửa được nỗi nhục mất nước, ngày nay thế hệ con cháu chúng ta phải cố gắng làm sao rửa được nỗi nhục to lớn là nghèo nàn lạc hậu. Vinh dự của tôi ngày hôm nay chính là vinh dự của một người lính đứng trên tuyến đầu của mặt trận công nghiệp hóa, hiện đại hóa… “Và hủ hóa!” Có tiếng một tên dị hợm ở dưới hội trường. Đồ khùng. Các bạn yêu quý. Trong thanh niên chúng ta còn có không ít người đang khủng hoảng về tư tưởng, không nghĩ tới tương lai, không nghĩ gì tới ngày mai. Vì vậy mà các tệ nạn và tội lỗi ngày càng không giảm. Tại sao chúng ta không noi gương các anh hùng liệt sỹ hy sinh hết mình với niềm tin trong sáng. Sự hy sinh của họ chính là nền móng cho hạnh phúc mà chúng ta đang được hưởng. Vậy tại sao các bạn không nghĩ được rằng những gì chúng ta đang làm chính là để cho các thế hệ mai sau. Những tràng vỗ tay không dứt cùng với vòng tay ôm hôn nồng ấm của đồng chí Phó bí thư hôm ấy cũng đến dự. Chỉ có một điều…
Đã qua tuổi thập tam rồi trăng tròn từ lâu mà Bạch Trĩ vẫn chưa thấy kinh. Mẹ chị đã hướng dẫn cho chị mọi điều về chăm sóc sức khoẻ từ khi chị mới mười một tuổi. Bà vốn là một bác sỹ sản khoa. Thế mà cứ chờ đợi mà tuyệt nhiên không. Đối diện nhà chị là một dãy phố lao động đã có từ ngày xưa. Trong dãy phố ấy có một cụ đạp xích lô đã trăm tuổi mà vẫn cường tráng sung mãn. Con cái cụ không thiếu tiền và không cho cụ đạp xe nhưng cụ bảo tao đã làm cái nghề này tám mươi năm rồi nên hôm nào không ra đường thấy chịu không nổi. Gương mặt cụ sáng tươi, râu tóc bạc như tiên, da hồng hào, lưng thẳng. Chả bù cho bố mẹ chị người thì huyết áp, người thì mỡ máu. Vừa đạp xích lô cụ vẫn thường ngâm nga những câu thiên cổ. Hồng Hồng Tuyết Tuyết mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi. Chắc ngày xưa cụ cũng là một tay chơi Khâm Thiên lão luyện. Cứ đọc Làm đĩ của Phụng thì mới thấy cái công nghiệp giải trí của các cụ thật là ghê gớm, dễ mà bán cửa bán nhà. Đừng lo thấy muộn mà buồn, đến năm hai mốt thì… mọc lông. Đúng là xích lô. Trong cụ là cả trăm năm văn hiến hè phố. Nhiều khi không hiểu sao trong vô thức chị thấy mình muốn được như cụ. Người như cụ xứng đáng được dựng tượng đồng giữa trung tâm Kẻ Chợ này, thế chỗ tượng “Đầm xòe” ngày trước. Tại sao không?
Bạch Trĩ đã tròn hai mốt tuổi, sinh viên năm thứ ba rồi. Tuổi hai mươi sức như Phù Đổng. Năm thứ nhất thì kiêu, năm thứ hai thì xiêu, năm thứ ba thì yêu, năm thứ tư thì liều. Đó là câu nói tổng kết về đời sống tình cảm của các nữ sinh viên. Thế mà Bạch Trĩ cứ thấy nó chả liên quan gì tới mình cả. Chị thấy bọn con trai đứa thì đụt, đứa thì bệnh hoạn, đứa thì thô bỉ, đứa thì đểu cáng. Không mê được.
Bích Loan sinh ra với một vóc người thon thả, dịu êm, nhẹ nhàng lắm. Nhẹ khôn kham. Nàng ra đời trong một gia đình trâm anh thế phiệt. Tuổi thơ xao xuyến của nàng gắn liền với hoa hồng, thơ ca, tiểu thuyết, chocolate, nhà hát, trường Nữ công Tinh hoa, đàn piano, gia sư, “Trưng Vương khung cửa mùa thu” và nước hoa Pháp. Đặc biệt nhất là cái phòng khách của nhà nàng. Ngày nào nó cũng được đón tiếp biết bao hiền nhân mặc khách. Họ đến nhà nàng để bàn mọi chuyện về chính trị, văn hóa, khoa học, triết học, nghệ thuật và uống rượu ngoại. Ngày tháng trôi đi, cái phòng khách ấy bỗng được mang tên cô con gái xinh ngoan sáng láng có làn da châu Âu của ông bà chủ – “Salon Loan”.
Đến với Salon Loan người ta sẽ được nghe những câu chuyện đầy ý vị và cao nhã. Các vị có biết tại sao con người ta cứ phải nói mãi mà không dừng lại được không? Câu hỏi như một chủ đề thảo luận một hôm bất ngờ được một giáo sư ngôn ngữ trường phái Tây Âu bẩy đời đại trí thức, trong hai bên nội ngoại lại còn còn kết tinh ra cả một đại thi hào, đưa ra. Nghe nói cụ giáo sư thân sinh của ông đã đắc đạo đến mức phu nhân của mình đưa tình nhân về nhà ngủ mà cụ vẫn thản nhiên như không nhìn thấy, hồn nhiên ngồi nghiên cứu những triết luận cao viễn, sau quả nhiên đã để lại cho đời những trước tác “thiên kim bất dịch”, làm nền tảng cho cả nền khoa học xã hội quốc gia. Cái lý của nó kỳ lắm. Kỳ thực là cả tư duy và ngôn ngữ của chúng ta đều bị mắc bẫy ở trong Nhị nguyên. Cứ nghĩ hay nói là chúng ta đã phải phân định đúng sai, hay dở, trong ngoài một cách rõ ràng. Kỳ thực trong vũ trụ làm gì có cái gì thật rõ ràng đâu. Vạn vật có cái gì lại không cõng âm và bồng dương. Vậy thì muốn nói trúng được phải có một thứ ngôn ngữ đa chiều (nhiều hơn ba) thì mới truyền tải được. Tiếc thay, suốt hàng vạn năm tiến hóa nhân loại vẫn chưa có được cái huyền ngôn đó. Ví dụ như moa đây này. Người thì bảo là một bác học uyên bác và đức độ, kẻ thì quy tội kênh kiệu làm dáng trí thức quan trọng hóa vấn đề. Vậy thì ai đúng? Chẳng ai đúng cả vì chưa có ai có thể nói một tiếng mà đọc ra cả con người moa. Ngôn ngữ càng phát triển càng bế tắc là vậy. Vì thế minh triết phương Đông là vô ngôn vô lời. Xưa kia Đức Vạn Thế Sư đã từng than “Trời có nói gì bao giờ đâu!” Chúng ta nói là chẳng đành câm đó mà. Một giáo sư cổ ngữ khác lập tức đáp lời: ô ông hôm nay rõ là thông minh hơn trước, chẳng lẽ nhi nhĩ thuận rồi ông mới nghĩ ra điều đó sao? Tôi thấy không ai dã tràng hơn mấy nhà ngữ pháp. Ngôn ngữ là tự nhiên, văn phạm là nhân tạo, là những quy tắc con người đẻ ra để đong đo cái tự nhiên ấy mà. Các cụ gọi lấy gầu đong biển là vậy đó. Cái tự nhiên nó có cả phần sáng phần tối, sinh trưởng như cỏ cây thì biết nó là cái hình dạng gì. Cái sáng thì đo được, cái tối mập mờ thì làm sao đo. Trong khi các lí thuyết thì hoặc đề xướng “chủ nghĩa vuông” hoặc “chủ nghĩa tròn” nên đo được cái này thì khuyết cái khác, thế nên mới rơi vào cái cảnh mù rờ voi. Tự Nhiên như trời, người sao theo kịp. Mọi nỗ lực của các nhà cũng đâu có làm chúng ta hơn gì được những ngu phu ngu phụ. 
Những câu chuyện cao xa ấy chỉ tan ra khi chủ nhà mở tủ lau nhẹ rồi nâng lên một chai Napoleon. Ngày qua ngày những vong hồn chữ nghĩa và ý tưởng cứ mãi tan và tụ theo nhịp mở nút chai đầy uy lực như tiếng pháo của Đại đế. Lòng thư thái bởi những giọt cồn Pháp các cao nhân bỗng thấy khoan dung, vạn vật đồng nhất thể, tứ hải giai huynh đệ trong cơn khát tự do, bình đẳng, bác ái. Liền theo đó là nắp đàn piano bật mở và từng ngón tay trinh của người mà Salon mang tên nhẹ lướt. Beethoven. Chỉ có Beethoven mới làm thỏa mãn được những cái đầu đầy trí năng. Trời ơi! Giá như dân tộc này có được một Beethoven. Để làm gì? Thì chúng ta sẽ không bao giờ có những cái đầu tủn mủn. Thì hồn dân tộc mới hùng tráng. Thì hách mới lẫm liệt. Ồ nhưng nghe nói ông này điếc mà…
Bích Loan có một vầng trán cao rộng. Tưởng như mọi chòm sao trên trời đều in dấu nơi đây. Một bầu trời di động trên tấm thân dây dây. Chưa vào đại học đã có nhiều gia tộc muốn đón. Nhưng nàng nghĩ nàng còn phải học. Học, học nữa, học mãi. Nhân ngày đầu xuân, nhiều thanh nam tú nữ hay đi xin chữ các cụ đồ nho hay các nhà thư pháp hiếm hoi còn sót lại. Lập Xuân năm ấy trong khi phần lớn mọi người đều xin “nhẫn” hoặc “tâm”, Hoàng Phượng cũng làm một cái “nhẫn” còn Bạch Trĩ thì chọn “tâm”, Bích Loan đã xin hai chữ “trí tuệ”. Khi viết xong cho nàng, nhà thư pháp bỗng nói lớn: Thôi oải lắm rồi, không nhẫn tâm trí trá gì nữa đâu nhé! Ai có thơ hay câu đối thì ra đây nào. Bỗng thấy một gã trông dị hợm từ đầu đến giờ vẫn im lặng đến bên xin chữ và đọc:
Dòng đời phù vinh hạ phẩm
Bến tâm trầm mặc thượng thừa
Nhà thư pháp biến sắc. Các đại nhân vật đang say sưa bình vấn bỗng lặng im. Đám thanh niên xuýt xòa. Nhà thư pháp như đang làm những động tác yoga hay thụ khí rồi chấm mực vung bút. Thật là một bức tuyệt họa. Ai cũng xuýt xoa trầm trồ nhưng không biết nó đẹp bởi cái gì. Xong việc gã dị hợm rẽ đám đông đi về nơi xa khuất như thể hắn chui xuống đất vậy. Không ai biết gã đi đâu cũng như là từ đâu vắc mặt đến. Bạch Trĩ bảo hắn cuồng. Hoàng Phượng đoán hắn là thi sỹ. Bích Loan nói hắn là giáo sư. Có kẻ lại phán hắn là bậc chân truyền của một giáo phái siêu đẳng nào đó. Nhưng ai cũng thấy hắn có gì đó bí hiểm, hấp dẫn. Hay là gã buôn ma túy? Loan mang “trí tuệ” về treo giữa phòng trang trọng và nghiêm cẩn như các con chiên ngoan đạo vẫn thường treo ảnh Chúa hay thập tự giá. Nhiều đêm mơ nàng đã thấy mình ôm hôn hai chữ ấy. Những cánh chữ cứ nâng nàng lên như đại bàng nâng công chúa. Nàng thấy mình bay qua châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Lướt trên những thành phố sạch như lau, sáng choang như cung Hằng. Những sa mạc ngút trời. Những đỉnh cao băng tuyết. Những cánh đồng mây trắng vĩnh hằng. Thậm chí nàng còn thấy đôi cánh chữ đưa nàng bay tới thiên đường với những thiên thần bay lượn phất phơ.
Thấm thoắt thoi đưa thời gian lôi người ta đi vùn vụt. Nhớ lại quá khứ thấy như đến một ngã tư đèn xanh đèn đỏ thoắt một cái ba cô bạn con chấy cắn ba bỗng không trông thấy nhau đâu nữa, như thể mỗi người đã rẽ theo một đường mà chả ai báo với ai, không một lời hẹn gặp lại.
Hoàng Phượng làm ăn ngày càng thành công rực rỡ. Dù văn hóa hơi bị khiêm tốn nhưng những kiến thức của đời thực trên thương trường đã đưa cô lên hàng đại tướng… Cô đã trải qua vài vòng tay đàn ông nhưng vẫn chưa tìm cho mình được một mối tình. Thực ra là không hiểu sao mà vẫn chưa có ai để ý đến cô, trừ mấy thằng làm trong ngành mỏ - địa chất, là một ngành cực kỳ phát đạt đến đỉnh cao trong suốt thập niên qua của cả đất nước. Dân gian đã có câu ca: số anh là số đào hoa, em thì đào mỏ hai ta cùng đào. Thế nhưng bất hạnh thay cô đâu có được đào hoa mà chỉ gặp toàn bọn chuyên gia khoan cọc nhồi thế này. Bọn chúng thì không thiếu nhưng cô cũng chẳng háo hức gì cái giống vô tình. Hay cô chính là đảng trưởng đảng vô tình? Cô ghét nhất cái phận đàn bà là những kỳ thấy tháng. Cô thường xuyên ăn rau răm và các loại thuốc để dẹp đi cái di chứng đáng nguyền rủa cản trở cuộc sống bình thường của cô từ năm cô mới mười tuổi. Chính nó là thủ phạm cướp đi tuổi thơ của cô, cướp đi những thời gian ung dung tự tại, cản trở cô trở thành người hùng hay thần thánh. Cô giành nhiều thời gian và tiền bạc cho các chùa chiền. Tên cô luôn nằm trong những tấm bia đá ghi danh những tấm lòng từ thiện. Cô còn sắm cả xe hơi cho bậc hòa thượng khả kính nhất đất nước. Chỉ mong đổi lấy… Dẫu bao đêm hờn giận số phận trong cay đắng nhưng cô vẫn thường tự an ủi rằng tại mình hồng nhan nên ra bạc phận. Cô có một đôi má lúc nào cũng ánh mầu hồng hoàng vượng khí, ánh mắt lạnh lùng nhưng là để che dấu những khát vọng phong nguyệt vô biên… Nhưng đàn ông xứ này chuối lắm.
Bạch Trĩ đã thấy kinh lần đầu ngay trước lễ tốt nghiệp đại học rực màu cờ đỏ và các loại cờ đèn kèn trống. Nhìn ánh mắt chị long lanh ánh thủy đến mức khác thường ai cũng chỉ đồ rằng đó là niềm vui của cô bé thủ khoa. Có ai biết được cái làn thủy quang rực ánh cầu vồng đó là kết quả của bao nỗ lực tự thân vận động cùng biết bao thầy thợ bốn phương. Chắc tiếng khóc của những tân nương về nhà chồng hay tiếng cười của những sỹ tử thi trượt cũng không thể sánh được với cảm xúc ngút trời đó của chị. Hóa ra chị cũng là đàn bà, không hề lệch lạc giới tính hay xăng pha nhớt. Ôi những năm tháng xót xa âm thầm khao khát. Giờ đây hồng phúc đã đến. Chị lại mơ được sánh vai một trượng phu đáng mặt anh hào. Nhưng mà sao cửa phòng khách nhà chị dù có một cái thảm chùi chân WELCOME[1] to tướng mà vẫn luôn tạnh vắng những đôi giầy đàn ông. Chỉ toàn guốc là guốc. Những tiếng guốc khô khốc như tiếng mõ tụng kinh chùa Quán Sứ… sao mà cảnh vắng teo… Nhiều đứa bạn chị cũng yêu tổ quốc mà sao cũng không tìm nổi một người hùng dân tộc, phải tìm kế cõng rắn cắn gà nhà. Lấy chồng Tây. Nhưng mà nhiều ca cũng thảm. Có một chị hàng xóm sát tường đã có đến ba đời chồng Tây: một Thụy Điển, một Ma-rốc, một Đài Loan. Chị đã sinh nở hai lần. Hai thằng con trai. Nhưng cả hai lần đều bị những thằng chồng sắt đá cướp mất đem về nước. Ra trường Bạch Trĩ về công tác ở cơ quan của mẹ hiền kính yêu. Chỉ sáu tháng sau chị đã lên Phó phòng. Chị đi nước ngoài như đi chợ. Có lẽ đã được 29 nước rồi. Thế mà cũng chẳng thấy thằng Tây nào nó để ý đến mình cả. Toàn những xã giao lịch sự không chịu nổi. Một lần được mời đến ăn cơm ở nhà bố mẹ một đối tác người Mỹ, lúc ra về thấy bố con nó bắt tay nhau rối rít thật là long trọng. Chưa hết, gã còn Thank you so much for inviting me and what you’ve done to me tonight. I really appreciate that. Mum and dad, I love you[2]. Suýt nữa thì ngộ độc. Chị đã lên Trưởng phòng sau một năm, đã quen với cả một nền văn minh phong bì, quà cáp trên mức tình cảm, chia chác chiến lợi phẩm sau lưng chiến sỹ và miếng võ nịnh trên nạt dưới đầy hữu hiệu đối với những con dân của xứ sở đầy thiên tài và thiên tai. Và chị đang vào tầm ngắm để trở thành Phó giám đốc sở trẻ nhất trong lịch sử của ngành… Loan, Phượng ơi, lấy chồng chưa? Chắc các bạn sẽ dễ dàng hơn trong cái chuyện ấy. Chúng ta đã như Caesar, đã đi, đã đến và đã chinh phục. Vậy ai sẽ chinh phục chúng ta?
Tốt nghiệp phổ thông, Bích Loan được người bạn của cha đã bảo lãnh sang Paris du học. Kinh đô ánh sáng không có một mẩu thời gian nào cho phép người ta nghĩ về một cái gì đó tầm thường tăm tối. Một đời tắm mình trong hào quang trí tuệ nàng thấy người đời thật tầm thường. Thấy nàng sáng láng cũng có mấy anh bạn Pháp bắt quen. Nàng để ý đến một công tử đại gia. Thôi thì gallant[3], thôi thì tràn ngậpjoie de vivre[4] trong những dịp lễ tân đầy những je ne sais quoi[5]. Nàng cũng thích cái cuộc sông bourgeois[6] ấy, nó bổ khuyết nhiều cho những bậc trí thức như nàng, linh hồn của Salon Loan. Thế nhưng có một lần anh chàng Parisien[7] bảo rằng nàng còn Parisienne hơn cảParisienne. Cái bản tính đa nghi của dân trí thức làm nàng phân vân không biết là anh ta khen hay chê mình đây, nhất lại là lời khen của một gã Gauloise[8]. Chỉ có điều chính nàng cũng dần thấy không mê nổi cái dân keo kiệt xăm soi nhất quả đất này. Và Bích Loan hiểu rằng không có một hấp lực nào giữa hai người cả. Nàng thui chột mọi cảm xúc từ con tim, lao vào cuộc đại thám hiểm trong các thư viện và bảo tàng để ít năm sau thì trên Le Monde  L’Humanité có mẩu tin: một nghiên cứu sinh Việt Nam đã bảo vệ xuất sắc luận văn Tiến sỹ IV tại Đại học Paris IV về ngôn ngữ giao thoa, hứa hẹn... Giờ là lúc vinh quy bái tổ, ra mắt bạn bè. Phượng ơi, Trĩ ơi, Loan đã về! Các ấy ở đâu bây giờ? Đã lấy chồng chưa? Có gặp được thằng tử tế không?
 Họ đã gặp nhau bên Bờ Hồ sương khói trong một ngày u ám khi cơn gió bấc đầu tiên của mùa đông đổ về. Dẫu đã trải giông gió bốn phương nhưng cái lạnh miền Bắc vẫn như một con quái vật không thể nào quen nổi. Lần nào gặp nó cũng thấy nó bất kham và thâm hiểm đáng sợ. Mưa phùn gió bấc là điều khó chịu nhất mà Trung Hoa lục địa mang đến xứ này. Nhưng không ai ở đây có thể bỏ qua hay quên được chúng. Những bài học làm người cũng vẫn được các bậc cha mẹ truyền dậy cho con cái trong những ngày như thế. Và cũng nhờ những ngày như thế mà người ta mới biết yêu một bếp lửa hồng. Câu chuyện của họ như rơi vào mênh mông, nhưng vẫn ẩn hiện nhân vật cổ quái mà quen quen…
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo