Ngân hàng Nhà nước không công bố tên các ngân hàng yếu kém
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nói có 10 ngân hàng "yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ" trong khi chính sách tiền tệ đang được thắt chặt.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến hôm 14/2 cho biết các tổ chức tín dụng ở Việt Nam hiện chia thành bốn nhóm.
Trong đó, nhóm 4 thuộc diện đang phải cơ cấu lại, có nguy cơ lớn và biểu hiện mất an toàn.
Ông Nguyễn Đồng Tiến tiết lộ có 10 ngân hàng "rơi vào nhóm yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ".
Các tổ chức tín dụng này sẽ không được gia tăng tín dụng mà phải tiếp tục thu hồi khoản nợ cũ.
NHNN Việt Nam quyết định không công bố tên của các ngân hàng này.
Cuối năm ngoái, ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (VNTN Bank), ngân hàng Đệ Nhất (Ficom Bank) và ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã phải hợp nhất.
Có những ý kiến khác nhau quanh câu hỏi liệu có quá nhiều ngân hàng hoạt động ở Việt Nam hay không.
Nhưng một điều rõ ràng là thời gian qua, đã có sự gia tăng số lượng các ngân hàng.
Có không ít ngân hàng trong số này hoạt động yếu kém.
Một chuyên gia trong ngành, muốn giấu tên, nói: "Trong điều kiện thuận lợi, họ không gặp vấn đề gì."
"Nhưng khi môi trường thay đổi, đó là những ngân hàng đầu tiên gặp khó khăn, dẫn đến nhu cầu tái cơ cấu hiện nay."
Tháng Bảy năm ngoái, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nói "Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay trở nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương trước những cú sốc vĩ mô bất lợi."
Mới đây, hãng định mức tín nhiệm Moody's cũng cho rằng các ngân hàng của Việt Nam ở vào thế rủi ro trước bất kỳ sự thắt chặt bất ngờ nào của nguồn thanh khoản ngoại tệ.
Đăng nhận xét