Đại gia tộc họ Dương và bàn cờ chính trị Giao Chỉ (đầu thế kỷ X)

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 20171nhận xét

Từ Thập kỷ thứ 3 của Thế kỷ X đến cuối thế kỷ này, chỉ có họ Dương nắm quyền hoặc chí ít cũng phải là con rể của dòng họ này nắm quyền Giao chỉ quốc (Đại Cồ Việt) mới có được sự ổn định cần thiết.

Xem thêm: 
Việt - Hán ngàn năm tương báo
Từng có một cuộc thoát Hán
Lê Long Đĩnh (kỳ 1) Nhà vua trẻ với những năng lực phi thường(Kỳ 2): Sự thất bại của Lê Long Đĩnh
Đường triều suy yếu, các Tiết độ sứ (thống đốc các bang) nổi lên cát cứ, thời đại Năm đời mười nước bắt đầu ở Trung Hoa và Giao Châu là một phiên bản thu nhỏ.
Nhân lúc Giao Châu vô chủ, họ Khúc tiến vào Đại La, tự xưng Tiết độ sứ.
Họ Khúc ba đời làm Tiết độ sứ (Kiểu như thống đốc một bang trong Liên bang Đại Đường) nhưng sau thất bại của Khúc Thừa Mỹ - Khúc Hậu Chủ trước Nam Hán, gia tộc này biến mất. Có thể với chiến thắng quân sự, Nam Hán đã cho bắt sạch cả gia tộc họ Khúc đem về Phiên Ngung. Điều này lý giải vì sao trong những giai đoạn đầy biến động sau này, họ Khúc không còn hiện diện trên bàn cờ chính trị Giao Châu.
Vũ đài Chính trị phát sinh sự biến, mạch nối là Dương gia
Từ đại gia tộc họ Dương đến sự cai trị của hai dòng họ Dương - Ngô
Sự cai trị của Nam Hán tại Giao Châu không được bao lâu thì Dương Đình Nghệ một hào trưởng tại Ái Châu kéo binh ra Đại La. Dương Đình Nghệ (Dương Diên Nghệ) giầu đến nỗi có thể nuôi tới 3000 binh sỹ (ĐVSK TT chép là 3000 con nuôi) đứng đầu toàn bộ Châu Ái. Đem quân đội từ Ái Châu tiến ra Đại La, gia tộc Dương đã nhanh chóng đánh bại đoàn quân viễn chinh của Nam Hán, Dương Đình Nghệ tự phong mình làm Tiết độ sứ Giao Châu.
Đền thờ Dương Đình Nghệ tại Làng Dương Xá (Ảnh Blog Tuấn Công Thư Phòng)

8 năm sau (tức năm 937) Dương Đình Nghệ bị con nuôi Kiều Công Tiễn ám sát. Lúc này con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đưa thế lực Thanh Hóa tiến ra. Ngô Quyền nhanh chóng bắt giết Kiều Công Tiễn, đánh bại quân Nam Hán.
Có chỗ dựa vững chắc là quý tộc họ Dương cùng với toàn bộ quân đội của dòng họ này; sự ủng hộ của các chiến binh, quý tộc họ Ngô tại vùng Đường Lâm (tức Ba Vì ngày nay), Ngô Quyền lên ngôi Vương – kiến quốc lập đô.
Vương triều họ Ngô được bắt đầu như là thành tựu trong chiến tranh mà hai họ Dương, Ngô cùng làm nên. Một dòng họ ở miền cực Nam đứng đầu Ái Châu, một dòng họ là quý tộc lâu đời đất Bắc.
Với uy tín dòng họ, uy thế từ các chiến thắng quân sự, Ngô Quyền đương nhiên thu phục được sự ủng hộ của quý tộc, hào trưởng các địa phương. Sự kết hợp giữa hai họ Dương Ngô cho phép ông đè bẹp bất cứ một đối thủ nào, kể cả quân Nam Hán.
Nhưng Ngô Quyền cũng chỉ làm Quốc Vương trong nhiệm kỳ trọn đời của ông. Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha lên làm Quốc Vương.
Lật đổ họ Dương và cái giá phải trả
Dương Tam Kha con trai của Dương Đình Nghệ và là em vợ của Ngô Quyền một trong những chiến tướng then chốt của Ngô Vương đã lên làm Quốc Vương (đảm đương một nhiệm kỳ trọn đời tại Giao Châu). Dương Tam Kha trị nước trong 6 năm khá là yên bình thanh thản. Con thứ của Quyền là Ngô Xương Văn sống ngay trong cung cấm, được Tam Kha yêu như con đẻ.
Nhưng rồi Văn tạo phản. Lấy cớ khôi phục giang sơn họ Ngô, Văn đánh bại Dương Tam Kha, tự quyền lên ngôi. Hành động của Văn được một số tướng lĩnh thân tín ủng hộ, nhưng lại không được đại đa số giới quý tộc, hào trưởng địa phương tán đồng.
Lật đổ họ Dương, Ngô Xương Văn và cả người anh là Ngô Xương Ngập đã phải trả giá rất đắt. Đó là sự suy yếu của quyền lực trung ương, quốc gia bắt đầu tan rã.
Những hào trưởng, quý tộc lâu đời tại các địa phương, hoặc thủ lĩnh các bộ lạc – những người có quyền bầu lên Thống Đốc Giao Châu (hoặc là Quốc vương Giao Chỉ) đã bị Ngô Xương Văn gạt bỏ. Quyền lực, quyền lợi và vai trò của họ bị thương tổn, giới quý tộc, võ sĩ khởi loạn, 12 sứ quân bất phục chính quyền của anh em Xương Ngập, Xương Văn.
Họ Dương là một gia tộc có quyền lực lớn tại Giao Châu đương thời. Người nhà họ này hai đời cha con làm đứng đầu Giao Châu (Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha), ân uy, vũ dũng đều đủ cả. Con rể họ Dương là Ngô Quyền là quân vương đầu tiên của Giao Chỉ, thậm chí Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập cũng là cháu ngoại của họ Dương. Phục vụ tham vọng chính trị của mình, Đinh Bộ Lĩnh đã khéo léo tận dụng ảnh hưởng của Dương gia.
Dương Vân Nga hay nỗ lực lấy “phiếu Đại cử tri” của những "Tổng thống trọn đời"?
Lãnh địa của Đinh Bộ Lĩnh tại Hoa Lư, sát Ái Châu, nhưng ông này đã không lật đổ, hay tiêu diệt thế lực họ Dương, trái lại ông lập Dương Văn Nga làm một trong năm hoàng hậu của mình. Trở thành con rể của dòng họ đứng đầu Ái Châu, dòng họ có hai đời là thủ lĩnh của Giao Châu, Đinh Bộ Lĩnh có vẻ như đã cố gắng củng cố vị thế chính trị của mình.
Tượng thờ Dương Hậu (ảnh Wiki)
Thậm chí trong nỗ lực lấy phiếu ủng hộ của họ Ngô – Gia tộc đứng đầu vùng Ba Vì có quan hệ hôn nhân với họ Dương, Đinh Bộ Lĩnh còn lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh, tạo ra cục diện cân bằng trên bàn cờ chính trị. Từ một kẻ phiến loạn, Đinh Bộ Lĩnh giờ đây đã đủ mạnh để ngồi vào ghế Quốc vương trong một nhiệm kỳ trọn đời. 
Dương Văn Nga lấy Đinh Bộ Lĩnh (tức Đinh Tiên Hoàng Đế) sinh được người con là Đinh Toàn. Là con thứ, Đinh Toàn gần như không có cơ hội để thừa kế sản nghiệp họ Đinh, đặc biệt là phía trên Toàn còn có Đinh Liễn (con trưởng Đinh Bộ Lĩnh) và người anh em được vua cha sủng ái là Hạng Lang.
Tháng 10 năm 979, cả Đinh Bộ Lĩnh và con trưởng Đinh Liễn cùng bị sát hại. Lê Hoàn một thủ lĩnh quân sự từ miền Ái Châu được phần đa giới quý tộc, võ tướng dồn phiếu ủng hộ để lên ngôi.
Noi gương của Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn cũng tự biến mình thành rể của Dương gia. Ông ta lại lập Dương Văn Nga làm hoàng hậu của mình. Vương triều của ông là sự kết hợp giữa thế lực Ái Châu (đứng đầu là Dương gia) và sự thần phục của quý tộc vùng Bắc Bộ. Thế lực của họ Đinh vẫn được bảo đảm thông qua sự hiện diện của Đinh Toàn – sau này là một tướng lĩnh trong quân đội của Lê Hoàn. 
Nếu họ Dương đã khôi phục lại lãnh thổ của vương quốc Giao Chỉ, thì giờ đây một trong những con rể của dòng họ này tiếp tục làm vua tại Vương quốc ấy. Sự thừa kế như vậy, đảm bảo cho Lê Hoàn một vị thế chính trị vượt trội hơn tất cả các quý tộc, hào trưởng khác. Lực lượng quân sự của ông  đủ sức dẹp yên các cuộc chống đối của quý tộc ủng hộ Đinh, tiếp đó là đánh bại quân Tống và tiến hành xâm lăng Chiêm Thành.
Suốt từ Thập kỷ thứ 3 Thế kỷ X đến cuối thế kỷ này, họ Dương hiện diện trên vũ đài chính trị tại Giao Chỉ với vị thế Thủ lãnh, gạch nối giữa các Thủ lãnh – quân vương Giao Chỉ quốc. Kể cả khi mất quyền thống trị thì lá phiếu ủng hộ mang tên Đại cứ tri Dương gia vẫn rất mạnh mẽ, giúp các tập đoàn họ Đinh, họ Lê ổn định cục diện chính trị, bình ổn xã hội.


Share this article :

+ nhận xét + 1 nhận xét

có những dòng họ toàn làm to thôi

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo