Nguyễn Trần Bạt: Không yêu các dự án đầu tư là một bước lùi của Việt Nam

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 20172nhận xét

Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, trong bài phát biểu đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết về Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Doanh nhân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt đưa ra những nhìn nhận của mình.
Không chỉ được biết đến như một luật sư, một nhà tư vấn xuất sắc, một học giả, Nguyễn Trần Bạt còn là doanh nhân thành công. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Invest Consult Group (công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh).
Phóng viên: Trong phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ chuyển từ chính phủ điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Ông nhìn nhận thế nào về điều này? 
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Quan điểm đổi mới cách thức tác động vào xã hội của Chính phủ hiện nay là rất đáng hoan nghênh, có thể nói đó là đổi mới chính trị. Nhà nước kiến tạo phát triển là một khái niệm tốt, tôi ủng hộ khái niệm này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhà nước kiến tạo phát triển không phải là một khái niệm đối lập với khái niệm nhà nước hành chính. Khi đề cao khái niệm kiến tạo phát triển thì phải cẩn thận để không làm hỏng uy tín của khái niệm hành chính.
Chúng ta chưa có một nền hành chính tốt chứ không phải hành chính là không tốt và hành chính là một khái niệm truyền thống vô cùng quan trọng, nếu không làm rõ chỗ này dễ dẫn đến nhầm lẫn và từ chối hành chính. Từ chối hành chính là từ chối văn minh nhân loại và nhầm lẫn trong khi tiến hành đổi mới.
Trong lý thuyết về phát triển nhà nước không có định nghĩa nào rõ ràng về nội hàm của nhà nước hành chính và nhà nước kiến tạo phát triển.
Phóng viên:Như vậy Nhà nước kiến tạo phát triển hay Chính phủ kiến tạo phát triển là một khái niệm chứ không phải là định nghĩa về một loại hình nhà nước, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Các bạn đã động đến một vấn đề tôi nghĩ 20 năm nay, đó là việc chúng ta cứ mặc nhiên đem các khái niệm của các quốc gia khác rồi đối chiếu với trạng thái của chúng ta và xem là người ta đúng, mình sai.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một khái niệm khoa học về nhà nước chứ không phải một loại hình nhà nước. Không dùng “Nhà nước kiến tạo phát triển” để định nghĩa nhà nước được, mà chỉ có thể dùng để định nghĩa cách thức nhà nước tác động lên xã hội.
Báo chí thì nhiều khi vô tình làm chuyên nghiệp hóa những định nghĩa không có thật. Sở dĩ tôi phải nói thận trọng như vậy vì chưa ở đâu trên thế giới có định nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển thật sự hàn lâm.
Mọi nhà nước đều có nghĩa vụ kiến tạo sự phát triển, có những nhà nước kiến tạo sự phát triển đúng, có những nhà nước kiến tạo sự phát triển sai hoặc sự phát triển nhầm lẫn.
Thực hiện nghĩa vụ kiến tạo phát triển là công việc của Chính phủ và Quốc hội. Cả lập pháp lẫn hành pháp đều phải cùng nhau phối hợp để tạo ra trạng thái nhà nước kiến tạo phát triển.
Khi nói đến cơ cấu chính trị, tôi muốn làm rõ thêm một vấn đề liên quan đến đảng chính trị. Trong nền chính trị Việt Nam, trên Chính phủ còn có một lực lượng vô cùng quan trọng, đó là Đảng Cộng Sản.
Có những hiểu nhầm cho rằng Đảng và Chính phủ là hai khái niệm tồn tại song song và là hai đối tượng độc lập. Phân biệt như vậy là thiếu hiểu biết về bản chất chính trị của mọi chính phủ trên thế giới chứ không phải chỉ Chính phủ Việt Nam.
Trên thực tế thì mọi đảng cầm quyền đều cấu tạo ra Chính phủ của đảng ấy. Chính phủ là của đảng cầm quyền, thay mặt đảng ấy thực hiện tất cả các nhiệm vụ mà đảng cam kết với xã hội. Có khác nhau là ở chỗ chúng ta có duy nhất một Đảng, còn các quốc gia khác thì các đảng thay nhau cầm quyền và thay nhau tạo ra Chính phủ.
Hiểu như thế thì chúng ta mới xem xét quá trình đổi mới một cách đúng đắn hơn.
Các tập đoàn lớn lo sợ sự đỏng đảnh của chiến lược
Phóng viên: Là chuyên gia kinh tế, một doanh nhân, ông mong muốn Chính phủ sẽ phục vụ như thế nào doanh nghiệp? Ví dụ, minh bạch thông tin, cải cách hành chính mà trực tiếp là giảm bớt các giấy phép con?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng việc bỏ bớt các giấy phép con là rút dần sự chiếm đóng của các Bộ đối với nền kinh tế. Đấy chính là kiến tạo phát triển.
Kiến tạo phát triển là tạo ra các giải pháp cơ bản để thúc đẩy tự do kinh tế, giải phóng sức sản xuất. Tôi cực kỳ hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đặt ra những vấn đề theo hướng như vậy, điều đó giúp loại trừ được những mặt quan liêu, bao cấp và thay thế bằng yếu tố tích cực cho sự phát triển.
Phóng viên : Là một người tham gia tư vấn cho rất nhiều dự án đầu tư và kéo những tập đoàn lớn về Việt Nam, ông thấy các nhà đầu tư nhìn môi trường ở Việt Nam như thế nào và họ sợ gì nhất?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Các nhà đầu tư nhỏ sợ một kiểu, các nhà đầu tư lớn sợ một kiểu khác. Các nhà đầu tư là các công ty vừa và nhỏ tạo ra nền tảng cơ bản của nền  kinh tế, nó hợp tác với đối tượng vừa và nhỏ và hầu hết là kinh tế tư nhân.
Có thể nói các công ty vừa và nhỏ trên thế giới chưa tìm được chỗ ở Việt Nam vì họ sợ tham nhũng, chi phí ban đầu nhiều quá. Còn các tập đoàn lớn ư? Họ sợ sự đỏng đảnh của chiến lược, bởi vì người Việt Nam chưa có năng lực chiến lược.
Người Việt Nam có năng lực đột phá, cơ sở của năng lực đột phá là sự liều lĩnh, nhưng lại thiếu tầm nhìn. Vì vậy, chúng ta bán tín bán nghi, trước những vấn đề chiến lược. Sợ sự đỏng đảnh của chiến lược và sợ tham nhũng là hai nỗi sợ ám ảnh hai khối các nhà đầu tư khác nhau.
Hãy sòng phẳng với Formosa
Phóng viên: Về dự án lớn, trước đây có lần ông ví dự án Formosa như một con ngựa xích thố, quá sức với người Việt Nam. Vừa rồi có xảy ra thảm họa môi trường làm cá chết ở miền Trung, những nghi vấn đổ dồn về phía dự án này. Phải chăng “con ngựa xích thố” đang trở nên bất kham? Với tư cách là một nhà tư vấn FDI ông nói gì về chuyện này?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng không việc gì phải sợ Formosa, đó là một con ngựa khó cưỡi nhưng không phải là một con quái vật. Dù sao đi nữa người bỏ tiền vào Việt Nam là họ chứ không phải chúng ta. Ai đã bỏ tiền vào Việt Nam thì kẻ đó buộc phải nghe Việt Nam.
Ai đã bỏ tiền vào Việt Nam thì kẻ đó buộc phải nghe Việt Nam
Có những ý kiến cho rằng Chính phủ mà không chiều nhà đầu tư này, nhà đầu tư kia một chút thì các nhà đầu tư sẽ nhìn vào đó mà rút. Qua báo chí, tôi muốn nói rằng không việc gì phải sợ điều ấy; trong nền kinh tế thị trường, sự ra đi của đối tượng này là cơ hội của đối tượng khác.
Thượng đế không sáng tạo thêm một quốc gia nào có diện tích hơn 330.000km2 với gần 100 triệu dân như Việt Nam. Việt Nam tiếp tục là mảnh đất để thế giới kinh doanh, chúng ta khôn ngoan thì họ đến kinh doanh nhiều hơn. Nhưng nếu không đủ khôn ngoan để kiếm lợi thì ta sẽ chết đói bên cái thùng lợi nhuận của họ.
Cưỡi lên lưng xích thố sẽ đi nhanh hơn cưỡi lên một con la, không nên vì sự an toàn mà chọn con la cho hành trình của mình. Người Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần dũng cảm và đủ trí tuệ để không nhầm lẫn giữa la và ngựa xích thố.
Phóng viên: Như vậy chúng ta cũng không có vấn đề gì phải lo ngại với việc tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn nói chung và nói riêng với Formosa nếu chúng ta phát hiện ra những vấn đề dư luận lo ngại là đúng sự thật?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Tôi là một người lính, tôi đã từng đến thăm nhiều cơ sở quân sự người Mỹ xây dựng ở Việt Nam. Formosa không dữ dội hơn những cơ sở mà người Mỹ đã từng làm ở miền Nam.
Cả người Mỹ lẫn người Nga làm ra Cam Ranh, Formosa chưa bằng Cam Ranh. Chúng ta không sợ Cam Ranh, tại sao lại sợ Formosa?
Tôi vô cùng mong muốn Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm thật sòng phẳng để nhân loại hiểu sự minh mẫn của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về đời sống, trong đó có môi trường. Giữ gìn kỷ luật để đảm bảo môi trường sạch trong quá trình phát triển kinh tế là kiến tạo phát triển.
Giải quyết được việc này sẽ gửi một thông điệp quan trọng đến thế giới rằng người Việt Nam đủ minh mẫn, đủ lương thiện, đủ đúng đắn để chơi với bất kỳ ai.
Phóng viên: Nhưng như thế cũng có nghĩa là sự thận trọng vẫn luôn cần thiết, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Đúng vậy, bên cạnh thái độ cương quyết chúng ta cũng cần bình tĩnh và thận trọng. Hiện nay đang có những suy đoán không khoa học lắm về Formosa, nên nhớ họ là kẻ bỏ tiền đầu tư họ phải có cái khôn ngoan tối thiểu của những kẻ bỏ tiền. Cho nên không nên suy đoán một cách tiêu cực quá, xa sự thật quá về các dự án đầu tư.
Từ giờ cho đến khi làm rõ được mọi chuyện thì xã hội chúng ta rất dễ có tâm trạng ghét các đầu tư lớn, đấy là một tâm trạng mà nhiều kẻ không yêu Việt Nam muốn thấy. Không yêu các dự án đầu tư chính là một bước lùi của Việt Nam. Phải rất cẩn thận trước những kết luận về chuyện này.
Là người từng trải trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tôi hiểu tâm trạng của các nhà đầu tư. Chớ  bao giờ nhầm lẫn giữa tâm trạng của các nhà đầu tư với một vài loại tâm trạng được ký gửi trong đó.
Có những người không thích chế độ chính trị ở Việt Nam đã ký gửi vào các thông điệp thương mại một vài ý tứ để tác động hay hăm dọa, đấy là những việc không đúng đắn. Hãy đi cùng Chính phủ, Đảng, tham gia vào quá trình sửa chữa các khiếm khuyết mới phù hợp.
Hãy đi cùng Chính phủ, Đảng, tham gia vào quá trình sửa chữa các khiếm khuyết 
Cần khôn ngoan trước Trung Quốc
Phóng viên: Tâm lý sợ và ghét Trung Quốc, đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Nhưng trước một thị trường khổng lồ mà rất nhiều cường quốc kinh tế thèm muốn, thì chúng ta cũng phải tính để hưởng lợi từ Trung Quốc, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Bỏ tâm lý ghét Trung Quốc một cách vô điều kiện đi, chúng ta phải biết yêu cái lợi ích có thể có trong khi hợp tác với họ. Phải khai thác bằng mọi cách năng lực và sự khôn ngoan của người Việt để chơi với họ và dùng các lợi ích để tìm con đường cộng tác.
Chúng ta thay thế nỗi sợ bằng khả năng ăn thứ bánh mà họ nấu, không nên nhầm lẫn rằng ăn cái bánh họ nấu tức là mình lệ thuộc vào họ. Chúng ta cần ăn cái bánh của họ để phát triển như các nền kinh tế lớn trên Thế giới mà đứng đầu là Hoa Kỳ.
Trên đời này không có người làm bánh nào lại không trở thành con tin của kẻ ăn bánh. Bây giờ Mc Donald có phải đang trở thành con tin của người ăn bánh Việt Nam không?
Phóng viên: Trung Quốc đã như vậy, còn về phía Hoa Kỳ thì sao, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Không phải đương nhiên mà Nhà Trắng tiếp đón đầy trọng thị với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng; sắp tới đây, Tổng thống Obama sẽ sang thăm Việt Nam.
Với những nhà chính trị chiến lược như Tổng thống Obama GDP không phải là yếu tố quyết định, giá trị lớn nhất của Việt Nam là  năng lực đột phá. Đánh thắng người Mỹ là một năng lực đột phá, Tổng thống Mỹ xem Việt Nam là một nước lớn về năng lực đột phá.
Nhưng trước những vấn đề chiến lược người Việt Nam không tự tin, điều này hạn chế sức phát triển của quốc gia. Muốn thịnh vượng, phú cường người Việt cần hội tụ đủ năng lực đột phá và tư duy chiến lược.
Sông Hàn thực hiện


Share this article :

+ nhận xét + 2 nhận xét

lúc 21:09 23 tháng 6, 2017

Hế hế sợ dân mạng chửi giờ mí dám đăng 😀

chuyên gia kinh tế có khác

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo