Pages

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Tội cho Võ Kim Cự

Võ Kim Cự cùng ekip của ông bị Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương xem xét kỷ luật. Lúc đắc thế, ông Cự danh tiếng lẫy lừng, lúc gian nguy thì thành dê tế thần dư luận, làm quan há dễ dàng gì?

Xem thêm: Formosa và cái họa bất chấp đúng sai; Vụ nước xả thải Formosa bên ta hay bên Tàu

Võ Kim Cự và Hà Tĩnh ngày mơ Đèo Ngang thành "Đèo Nghếch". Photo by Sông Hàn

Những ngày tôi ở miền Trung, cả nước đang nức lòng với kinh tế biển, với những khu kinh tế được mường tượng sẽ đưa Việt Nam tiến ra biển lớn, làm nền tảng để nước nhà chuyển sang kinh tế hải dương. Ngày đó, báo chí cũng đã nói đến “Thời của miền Trung” rằng: Đã đến lúc cái đòn gánh Miền Trung gánh sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Từ Nghi Sơn, Vũng Áng đến Nhơn Hội ấp ủ những dự án tỷ USD! Nào hóa lọc dầu, nào sắt thép, nhất là cảng nước sâu thì tỉnh nào cũng mở ra. Ngay Nghệ An theo trào lưu chung, Bắc Á cũng đầu tư làm cảng nước sâu Cửa Lò.
Trong các tỉnh miền Trung, ông Cự có tiếng là lãnh đạo tỉnh quyết liệt và tận tâm với doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng nguyên Tổng giám đốc Mitraco (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) thấu hiểu cái khó của doanh nghiệp mà biết hành động phục vụ.
Hà Tĩnh sau thời gian mong chờ Đèo Ngang trở Đèo Nghếc thì ầm ầm chuyển mình, họ có thứ để mà kỳ vọng đó là Khu kinh tế Vũng Áng và mỏ sắt Thạch Khê. Thậm chí Hà Tĩnh còn được báo giới đề cập tới như một thành phố Công nghiệp mới của Việt Nam, một Thái Nguyên thứ hai – Thái Nguyên của thời Việt Nam hóa rồng!
Khi Vũng Áng là một đại công trường. Photo by Sông Hàn
Formosa đầu tư nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp, giá trị hàng tỷ USD, sau đôn lên tới gần 20 tỷ USD. Người Hà Tĩnh đến đây quá tự hào bởi dự án FDI siêu khủng này! Nói thêm Formosa, sau khi bị Thừa Thiên Huế chối từ cấp phép đầu tư tại Chân Mây – Lăng Cô thì tìm ra phía Bắc và đến với Vũng Áng. Tại Khu kinh tế này còn có thêm Nhiệt Điện và Dầu Khí toàn những dự án số vốn tính bằng tỷ USD.
Hỏi sao người Hà Tĩnh không thấy huyết quản trào dâng máu nóng. Ông Hồ Anh Tuấn ngày ấy là Trưởng Ban Quản lý KKT Vũng Áng có nói với tôi:
“Riêng với Formosa ban đầu cũng có một số quan ngại, nhưng dự án được tiến hành trên một quy trình rất chuẩn. Trước hết Thủ tướng giới thiệu, một số đồng chí lãnh đạo cao cấp đã có dịp tiếp xúc với nhà đầu tư này. Khi Formosa đến đặt vấn đề đầu tư tại Vũng Áng, tỉnh đã đưa một số đoàn công tác sang Đài Loan khảo sát năng lực thực tế của họ. Làm việc cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng cả rồi.
Khẳng định với dự án Formosa chúng tôi yên tâm, niềm tin ngay từ ban đầu trong việc lựa chọn nhà đầu tư là yếu tố quyết định và theo tiến độ dự án, niềm tin đó đang được nhân lên”.
Ông Tuấn còn cho rằng: Với người dân vùng giải phóng mặt bằng Kỳ Anh, chỉ riêng việc trồng rau phục vụ cho Khu Kinh Tế cũng đủ sống rồi.
Tôi có đi Vũng Áng mấy lần, cả một khu bình địa ầm ầm xây dựng, duy có cái nhà thờ vẫn ngạo nghễ và tiếng chuông vang vọng.
Một đại diện của Formosa đang thuyết trình về tiến độ xây dựng nhà máy. Photo by Sông Hàn
Những ngày Hà Tĩnh công bố Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quan chức Trung ương, quan chức các tỉnh, báo giới từ khắp nơi kéo về. Đoàn xe công vụ hú còi inh ỏi trên quốc lộ 1A từ thành phố Hà Tĩnh đến thẳng Kỳ Anh. Rồi đó năm 2015, Thủ tướng Chính phủ (khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) đến thăm Hà Tĩnh hối thúc lãnh đạo tỉnh tập trung, đoàn kết, nỗ lực để xây dựng thành công khu Kinh tế Vũng Áng.
Thi công tại Formosa. Photoby Sông Hàn


Trong men say FDI, lãnh đạo Hà Tĩnh quay cuồng phục vụ những dự án FDI. Nhưng những bất trắc đã bắt đầu đến, đó là việc mỏ sắt Thạch Khê trở nên hoang tàn. Dân Thạch Hà kêu khổ và bắt đầu khiếu kiện, trong khi đó các cổ đông của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê dần trở nên nhạt nhẽo với dự án này
Bên bờ Bắc sông Lam, Nghệ An trầm ngâm, yên ắng, Khu kinh tế Đông Nam hiu quạnh, lặng lẽ. Tôi đi Thừa Thiên Huế, lãnh đạo còn có người tiếc về Formosa, có người cũng nói: Chẳng biết ngày nào Formosa bộc phát cái họa?
Quan đúng là có thời, tháng 10 năm 2015, đang lúc đỉnh cao quyền lực tại Hà Tĩnh, ông Cự bỗng được điều chuyển ra làm Chủ tịch Liên minh các HTX Việt Nam báo hiệu thời sóng gió đã đến.
Ông Nguyễn Tấn Dũng vừa thôi quyền lực, về làm điều tử tế, thì ngay lập tức tại Vũng Áng bùng lên thảm họa cá chết, rồi đó lan ra khắp bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Quảng Bình lãnh đủ, những dự án chục ngàn tỷ đồng đầu tư nghỉ dưỡng ven biển vốn hào hứng giờ thành ra nhạt nhẽo, vô vị.
Phúc khi xưa thành họa, vinh quang khi xưa thành tai kiếp, ông Cự thành Cự cãi cố! Giờ thì người ta chuẩn bị kỷ luật ông ấy vì Formosa xả thải. Còn cả xã hội chẳng ai tin Formosa, nhiều người Việt đang nguyền rủa nhà máy này!

1 nhận xét: