Kiều Phong - Dương Khang và Quách Tĩnh: Những kẻ một thân hai tổ quốc

Thứ Năm, 26 tháng 1, 20174nhận xét

(Chém gió về ba nhân vật trong truyện kiếm hiệp Kim Dung - Chỉ là luận văn chứ không luận sử).

Anh hùng chết, thông minh chết, ngu đần thì sống, lẽ ấy là tại sao? Tại vì kẻ anh hùng cố cãi mệnh trời, kẻ thông minh cố mưu việc cho mình, còn người ngu đần tự nhiên mà sống, thấy lợi thì làm, thuận theo thời thế. Ba con người Kiều Phong, Dương Khang và Quách Tĩnh chính là như vậy!

Kiều Phong: Tống - Liêu giằng xé một thân không nhà, đến chết cũng không mồ.
Kiều Phong (tên Khiết Đan là Tiêu Phong) có cha là Tiêu Viễn Sơn (một cao thủ của người Khiết Đan). Anh ta sinh ở Tống, lớn lên ở Tống, học võ công ở Tống, sư phụ cũng Tống, anh ta từng xả thân vì Tống, phụng sự cho quốc gia này, cho người Hán đến không tiếc tính mệnh. Anh ta thấm đẫm văn hóa Tống, hành xử theo đúng kiểu Nam tử hán đại trượng phu (chỉ đó điều sau này anh ta đã thành Nam tử Khiết Đan).


Nhưng người Tống giết mẹ của Kiều Phong, hại cha Kiều Phong, rồi cũng chính người Tống ruồng rẫy Kiều Phong, biến anh ta là tay võ công cái thế thành con chó không chuồng.
Kiều Phong vì người Tống xả thân lập bao công lao, oai trấn cả phương Bắc, giang hồ khiếp vía nhưng rồi lại bị chính người Tống ruồng rẫy, đổ oan, săn giết, chịu đủ thống khổ bi ai! Tứ cố vô thân! Anh ta trở về với cố quốc của mình - nơi anh ta mang dòng máu Khiết Đan, chỉ có một tâm nguyện hộ quốc an dân. Làm Vương gia Khiết Đan, có trong tay trăm vạn hùng binh những anh ta có lòng nhớ Tống không nỡ để dân Tống chịu họa binh đao nên nhất quyết chối từ không cầm quân chinh Nam.

Sau vua Khiết Đan (Liêu) quyết chí chinh phạt nhà Tống, phong Tiêu Phong làm Đại tướng quân, anh ta giứt khoát chối từ không nỡ đem quân đánh giết đất nước đã nuôi lớn mình - và đày đọa chính mình. Bị Gia Luật A Bảo Cơ (vua Liêu) bắt lại, Tiêu Phong chỉ cầu chạy thoát thân, không phải là ra sức chống lại, vì Tống phản bội Liêu.

Đến bước đường cùng, huynh đệ (Đoàn Dự, Hư Trúc) ra tay bắt được vua Liêu (Da Luật A Bảo Cơ), Tiêu Phong ép vua Liêu rút quân giữ yên biên giới. Rội tự vẫn để tạ tội với nhà vua.
Cái suy nghĩ của Tiêu Phong rất đơn giản: Bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu trách nhiệm cứ giáng cả xuống đầu tôi, để cho người khác được sống yên lành. Nếu tôi đủ sức đánh trả thì tôi chạy thoát, nếu không thì tôi xin chết.Anh ta yêu Tống, yêu cả Khiết Đan, Tống và Khiết Đan vì anh ta chết mà phải "đội trời chung".

Vị anh hùng này bị giằng xé không thoát ra được mối hận thù Tống - Liêu. Anh ta chỉ có thể chọn con đường mà anh ta cho rằng tốt nhất cho 2 dân tộc - Một là quê cha (Liêu), hai là đất mẹ (Tống) và bản thân phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn đó.

Người Hán vì lợi ích của mình mà dạy dỗ Tiêu Phong, nuôi lớn Tiêu Phong, rồi cũng vì sợ quyền lợi của mình bị đe dọa mà tìm giết Tiêu Phong, mắt nhắm mắt mở để oan khiên giáng lên đầu anh ta. Sau cũng vì lợi của mình là cố cứu Tiêu Phong. Cho nên Hán đối với Tiêu Phong chỉ có trục lợi, không có thực tình.

Dương Khang - Tận trung báo quốc, thư sinh tài đoản Dương Khang cha bị Tống giết, mà cha nuôi là hung thủ gián tiếp. Nhưng anh ta sinh ở Kim, lớn lên ở Kim, chịu sự giáo dục trong vương thất nhà Kim, bản thân là tiểu vương tử nước Kim. Nước nhà nguy cấp, tự bản thân anh ta gánh vác trách nhiệm bảo tồn giang san, giữ an bờ cõi. Đấy là cái việc mà một vương tử Kim quốc phải làm.
Khang thông minh tài trí, nhưng thủ đoạn cũng chỉ hàng lặt vặt, mưu việc vẫn thường hỏng. Khang không đủ nhẫn tâm, hung ác để mưu việc lớn cho nước nhà, hay làm việc có lợi nhất cho chính mình; anh ta cũng không đủ thiện để trở thành người người chồng đơn giản, sống tốt bên Niệm Từ.

Kim chưa từng bạc với anh ta, người cha Hoàng Nhan Hồng Liệt mặc dù biết Khang mang dòng máu Hán, là con cháu họ Dương gia danh tướng triều Tống. Liệt cũng biết Khang hận mình vì giết cha ruột, gián tiếp hại mẹ nhưng chưa từng sinh lòng dị nghị, đề phòng.

Hoàng Nhan Hồng Liệt yêu thương Dương Khang hết lòng, cưng chiều hết mức, muốn con sau này được như Lý Thế Dân - Hoàng đế số một triều Đường. Có thể nói Vương gia Kim quốc, Hoàng Nhan Hồng Liệt và cả người Kim đối với Dương Khang chung thủy, trước sau như nhất, không hề toan tính vụ lợi.

Nhưng với người Hán - chính quan chức người Hán là người trực tiếp phá nát gia đình Dương Khang, đẩy anh ta đến chỗ người Kim - lại cứ lẻo mép buộc Khang phải quay về phụng sự cố quốc, chết vì cố quốc - không về là phường bất trung, bất nghĩa. Thế là tại sao?

Dương Khang tận lực chiến đấu vì Kim, sống chết một hai vì Kim đấy là điều đương nhiên, chỉ có điều hành sự của anh ta không được quang minh chính đại, võ công cũng kém, mưu mẹo thường hỏng ở khâu cuối cùng. Khang không có năng lực trị quốc an bang, cũng không phải là chiến tướng lừng lẫy sa trường (hỏi tại sao lại thế thì tốt nhất là nên tìm Kim Dung).

Khang cũng như Kiều Phong là người giằng xé giữa hai quốc gia, lợi ích, tồn vong của hai dân tộc. Anh ta sẽ phải chọn cho mình một con đường đi chứ khó vẹn cả đôi đường. Anh ta không sai điều gì cả chỉ tiếc là Chí lớn, trách nhiệm nặng nề mà tài năng hạn hẹp. Quách Tĩnh - Kẻ ngu xí phần lợi hay quân cờ trong tay người Hán Quách Tĩnh - anh kết nghĩa của Dương Khang. Cha Tĩnh bị giết ở Tống, mẹ lưu lạc ở đất Mông Cổ, sinh ra anh ta trên hoang mạc với ngựa, trìu và chim điêu.

Thiếu thời, Tĩnh ở với mẹ, được mẹ chỉ dạy, nuôi dưỡng giáo dục tinh thần yêu cố quốc, tinh thần tự hào về gia thế họ Quách cho nên lòng riêng với Tống vẫn còn. Sự phụ anh ta có cả người Mông, nhưng sau lại chịu ảnh hưởng và phong thái của Tống nên dần dần ngả về cội cũ.


Cuộc đời anh ta là những chuỗi may mắn liên tục. Nào được Giang nam Thất quái dạy võ công, rồi được Khưu Xử Cơ (một trong thất kiếm của Toàn chân giáo) che chở, chưa lớn đã thành Kim Đao phò mã của Thành Cát Tư Hãn. Khi đến tuổi thành niên, anh ta được Hoàng Dung - con gái Hoàng Lão Tà (1/5 đại cao thủ đương thời) yêu, chỉ dạy dần dân, theo sát bảo vệ. Tiếp đó lại được Hồng Thất công (cũng là 1/5 đại cao thủ) truyền thụ 18 chiêu giáng long, Lão Ngoan Đồng dạy Cửu âm chân chinh, Song Thủ Hỗ Bác, được Cựu vương Đại Lý - Đoàn Hưng Chính (1/5 đại cao thủ) chỉ điểm tinh hoa trong Cửu Âm Chân Kinh.

Tiếp đó Tĩnh ở với Tây Độc - Âu Dương Phong, hai bên nhì nhằng học Cửu Âm Chân Kinh....

Võ công đương thời có 5 người đứng đầu anh ta ở qua hết cả 5, học hỏi tinh hoa võ học của 4 người. In như mèo mù vớ được cá rán vậy. Tuy nhiên nếu Quách Tĩnh không cam kết trung thành với Tống, bảo vệ quyền lợi của Tống thì anh ta sẽ không được các cao thủ của nước này dạy võ công. Một điều nữa là anh ta vốn ngờ nghệch, ngu dốt, bảo sao làm vậy, bản thân trí não căn bản là không có vốn liếng gì cả nên ... dễ nhồi sọ. Điều này là khác hoàn toàn với Dương Khang, Khang thông minh, hiếu học, lớn lên cốt cách đã định hình, kiến thức văn hóa đều đã ổn định nên dù thế nào cũng không thể bỏ Kim theo Tống, phản lại nước, phản lại người cha đã nuôi mình lớn khôn.

Trong số các ân nhân của Quách Tĩnh chỉ có người Mông Cổ đối với anh ta là hào sảng, bất vụ lợi. Họ sẵn lòng đưa anh ta từ một tay người Hán lưu vong trở thành phò mã, trao cho vạn quân đi chinh phạt, khi anh ta không muốn đánh Tống thì Thành Cát Tư Hãn cũng không quá ép buộc. Trước khi sắp mất, vị Đại hãn này còn xá miễn tội của Tĩnh, kêu anh ta trở về để gặp mặt lần cuối. Người Tống gian xảo hơn, họ dạy võ nghệ cho Tĩnh là tính ngay đến chuyện Tĩnh sau này sẽ chết vì Tống và dạy Tĩnh rằng phải chết vì Tống mới là anh hùng. Tĩnh ú ớ đi theo, đầu óc đơn giản hóa lại thuận lẽ tự nhiên nên dần dần thành một đại cao thủ.

Tuy nhiên anh ta không có điểm gì là đặc sắc, cá tính hoàn toàn không có. Cả cuộc đời anh ta là chuỗi để cho người ta sắp đặt, lợi dụng và cứ nghĩ mình thế mới là anh hùng. Ba con người, chung một hoàn cảnh, nhưng ứng xử khác nhau, rốt lại là anh hùng thì chết, thông minh cũng chết, chỉ ngu là sống và hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng ở bình diện quốc gia, câu chuyện khác hẳn! Trong bốn sắc tộc Hán, Khiết Đan, Kim (Nữ chân), Mông Cổ người Hán mồm thì nói nhân nghĩa, giảng anh hùng nhưng kỳ thật bội bạc, gian xảo, vụ lợi. Với thói tính ấy, Hán có thể thành công ở một vài thời điểm, vụ lợi ở một vài người nhưng rút cuộc bại vong để những tộc người phóng khoáng, công bằng đánh cướp quốc gia và nắm quyền thống trị.
Share this article :

+ nhận xét + 4 nhận xét

lúc 12:28 26 tháng 1, 2017

Vụ Tiêu Phong bị người trong giang hồ thù địch là do Mộ Dung Bác hãm hại, nhằm gây ra chiến tranh Liêu Tống để tiện việc phục quốc.
Người Hán nuôi dạy TP thì coi anh ta như người Hán vậy, mãi tới lúc thân phận TP bị bại lộ thì họ mới biết, nhưng cũng không phải vị việc bị bại lộ là người Khiết Đan mà lập tức tìm TP giết, mà phải đợi tới tận lúc TP bị oan giết hại cha mẹ nuôi và các sư phụ, oan của TP, tới tận lúc trở lại chùa Thiếu Lâm, gặp Mộ Dung Bác, thì mới được giải oan.

Trường Hợp của Quách Tĩnh:

Hồng Thất Công dạy võ cho QT vì tham ăn.
Chu Bá Thông dạy võ cho QT vì muốn có người bầu bạn và luyện võ cùng.
Đoàn Hoàng Đế thì là người Đại Lý, với lại, giảng giải cho y về võ công thì là do tiện lợi, lại giúp được Hồng Thất Công, chứ không phải vì mục đích chính trị, toan tính.
Tới Mã Ngọc và lục quái dạy võ cho Quách Tĩnh cũng chỉ vì mục đích tỉ thí võ nghệ với Dương Khang, vì một lời hứa chục năm trước.

Chẳng có một ai trong số trên dạy võ cho QT chỉ cho mục đích chính trị cả.

Quách Tĩnh không phải là một nhân vật xuất sắc của Kim Dung, việc chỉ tríc y là bình thường, nhưng bạn lại chửi cả dân tộc của người ta như thế thì quá đáng.

lúc 14:27 31 tháng 1, 2017

@Unknown
Quách Tĩnh không phải là một nhân vật xuất sắc của Kim Dung, việc chỉ tríc y là bình thường, nhưng bạn lại chửi cả dân tộc của người ta như thế thì quá đáng.

Haha! Rất hay!

Nặc danh
lúc 18:55 5 tháng 5, 2017

Viết rất công bằng, hay!

lúc 15:15 20 tháng 6, 2023

mỗi người một hoàn cảnh khác nhau mà

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | hantimes
Copyright © 2011. HAN TIMES - Bản quyền của hantimes
Han Times| Đơn giản Sông luôn chảy
Proudly powered by Đăng nhập
rem cua cơ sở may rèm vải, rèm cửa sổ đẹp Hiền Thảo