Posted on 15 June 2012.
Có người từng nói đại ý: Giờ là thời kỳ mà Việt Nam thiếu đi những nhà văn hóa lớn. Sau Thơ mới với Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Huy Cận đã không còn Thơ mới. Sau Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, đã không còn những Bỉ Vỏ, Giông tố, Số Đỏ, Chí Phèo hay Trăng sáng….
Tôi nghĩ Văn chương là cái gì đó ẩn ức vào trong, là cái gì mà khi người ta không thể thỏa mãn thành lời mà chất chứa lại. Những khát vọng chưa đạt được lại bị kìm trong guồng quay nhân thế.
Ẩn ức thành văn chương trác tuyệt.
Không cô độc mong cầu, không khát khao lạc loài sao Vũ Hoàng Chương có thể thốt lên:
“Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”
(Hantimes đổi trật tự câu)
Là “đầu thai”, chứ không phải là “sinh”, nghĩa là ta hiện hữu kiếp trước đâu đó, giờ vô hình chung rơi vào kiếp này, lạc loài trong một thế kỷ không có ta.
Và biết đâu không có khát vọng yêu, chăm lo tình yêu trong một nhu cầu bất bình thường thì chúng ta đã không có được một Xuân Diệu?
“Người ta khổ vì yêu không phải cách
Thương sai duyên và mến chẳng nhằm người
Có kho vàng nhưng chẳng tặng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ”
Tự cổ chí kim, văn học thời loạn nhân văn và hiện thực hơn văn học thời thái bình. Văn học trong chu kỳ cửa ngõ giàu tính khai phóng hơn Văn học khi xã hội đã đi vào ổn định. Còn triết học thời ổn định phần đa chỉ gậm nhấm lại những giá trị của thời cửa ngõ; hoặc tung hê, hoặc phản bác.
Ổn định? Biết đâu đó chỉ là hình thức giết chết tư duy thực sự?
Hơn ai hết, chúng ta những con người luôn có một giấc mơ – Trong giấc mơ ấy ta được nói tiếng nói của mình, ta được giải phóng mình khỏi những câu thúc ràng buộc và biết đâu cả nhu cầu thường nhật như ăn, như mặc?
Và có thể hiện thực buộc chúng ta ẩn sâu những điều muốn nói?
Một giấc mơ không bao giờ có thật trên đời!
Đương nhiên giữa đời hiện thực mà lại nói rằng mơ thì thật viển vông và vô nghĩa lý? Nhưng biết đâu từ giấc mơ như vậy trong ngay chính chúng ta đã ẩn chứa những giá trị của riêng mình.
Khát vọng nói tiếng nói của mình? Rất có thể chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời kỳ văn chương thực sự: Thời của Văn học nhân văn và khai phóng?
Tham khảo thêm: Trần Hữu Dụng – Thời vắng những nhà Văn hóa lớn
Đăng nhận xét